Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực tỉnh Long An

Đây là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra ngày 13/9, tại huyện Cần Giuộc, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương Long An và UBND huyện Cần Giuộc tổ chức, nhằm tìm hướng tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Long An.

Long An hiện có 8 loại nông sản chủ lực, hàng năm cung cấp một lượng lớn nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: 2,8 triệu tấn lúa, 180 ngàn tấn rau, 300 ngàn tấn hoa quả, 72 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm... Tuy sản lượng và chất lượng nông sản của Long An đạt tiêu chuẩn chất lượng, phong phú về mặt hàng, chủng loại nhưng việc tiêu thụ vẫn bấp bênh, thiếu tính liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ lớn là TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, trong 5 năm gần đây, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Long An vẫn tiếp tục phát triển, tốc độ tăng bình quân đạt 3,9%/năm. Tuy nhiên nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi sản xuất, liên kết "4 nhà", đặc biệt là trong kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Long An nói chung và huyện Cần Giuộc nói riêng vẫn chưa có lời giải căn cơ. Người nông dân vẫn lúng túng với đầu ra sản phẩm, thương hiệu nhiều đặc sản Long An vẫn chưa được thị trường biết đến...

Phó Chủ tịch tỉnh Long An mong rằng, tại hội thảo sẽ có nhiều lời giải, lối ra cho việc kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là với thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo sẽ là cầu nối góp phần tạo điều kiện cho nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Cần Giuộc nói riêng và tỉnh Long An nói chung, tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp cận, kết nối với doanh nghiệp, các hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tăng cường liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo tiền đề hình thành chuỗi cung ứng và kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP từng bước đem lại lợi ích ngày càng cao cho các bên.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, nông dân của Long An cho rằng, hiện tiêu thụ hàng nông sản đang gặp nhiều khó khăn như đầu ra không ổn định, thị trường còn hạn chế, thiếu tính liên kết chặt chẽ với các hệ thống phân phối. Nông dân và các hợp tác xã cũng mong muốn, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối không chỉ liên kết tiêu thụ mà còn xem xét đầu tư cho khâu chế biến, nâng cao giá trị nông sản.

Trong khi đó, đại diện của Saigon Coop, Vissan, chợ Bình Điền... cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải giữ thương hiệu của mình bằng chất lượng sản phẩm. Vì vậy để tạo điều kiện cho hàng nông sản thực phẩm có đầu ra tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh ổn định, thì nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp phải quan tâm đến uy tín, chất lượng nông sản của mình nhiều hơn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và đặc biệt là tập trung vào mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; phải đảm bảo các yêu cầu của các cơ quan chức năng về VSATTP; phải có đầu mối trong việc đảm bảo nguồn cung ứng ổn định ra thị trường... Từ đó, đầu ra của nông sản sẽ bảo đảm hơn và khả năng tiêu thụ sẽ tốt hơn.

Tại hội thảo, đã có 15 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được các doanh nghiệp, nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh ký kết với UBND huyện Cần Giuộc, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An về cam kết cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Long An.

Bên lề hội thảo có 20 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản và các hợp tác xã đã tham gia trưng bày và giới thiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Long An.

Bình luận của bạn