Kết nối làm thực phẩm sạch

Các nhà sản xuất ở miền Tây quả quyết: Làm ra sản phẩm nông - thủy sản sạch không khó. Trong khi người tiêu dùng lại lo lắng không có nhiều hàng sạch tin cậy để mua. 

Gần đây, hơn 60 Cty, HTX, tổ hợp tác (THT) ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM hội ngộ tại Cần Thơ cùng với Câu lạc bộ Hỗ trợ Nông gia (do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao sáng lập), bàn bạc, nối kết, quyết tìm lời giải cho bài toán nghịch lý này.

Làm hàng sạch không khó, nhưng...

Ông Trần Văn Hiền, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) Phước Hậu ở Vĩnh Long, cho biết, RAT với nhiều chủng loại, có ghi tên nhãn hàng của HTX Phước Hậu cung cấp hằng ngày cho 2 siêu thị Metro, Lotte và 4 cửa hàng.

Giá thành trồng RAT cao hơn 20% so với SX rau thường. Tuy nhiên vừa qua có chuyện thương lái mua rau SX chưa được công nhận là RAT rồi làm giả nhãn bao bì, nhãn hàng của HTX bán gian dối với người tiêu dùng. HTX chưa biết cách nào chống hàng giả RAT.

Ông Tám Bi (Nguyễn Văn Bi), GĐ HTX RAT Hòa Phát, phường Thới An, Ô Môn, TP Cần Thơ, có 5ha trồng RAT bán 3 tấn/ngày về các chợ đầu mối tại Cần Thơ. Nhưng ông Tám Bi vẫn lo: Trồng RAT cực công, chi phí cao và cái khó nhất là khâu tiêu thụ. RAT ra chợ bán giá tương đương như rau SX chưa đạt chứng nhận RAT.

Tương tự, một số HTX, THT than việc đưa hàng vào siêu thị gặp thủ tục phức tạp, bị giam vốn và giá bán không cao hơn bao nhiêu so với bán ngoài chợ. Câu chuyện làm gạo sạch hữu cơ của anh Võ Văn Tiếng ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, từng là ví dụ về một nông dân tâm huyết làm cho bằng được hạt gạo sạch không dùng thuốc trừ sâu. Anh Tiếng tự tin thành công ban đầu: Trên 2ha đất ruộng của gia đình, qua 3 vụ lúa bằng cách canh tác giảm tối đa phân bón và không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, gạo sạch bán được giá trên 28.000 đ/kg và bước đầu đã tiếp cận được với một vài điểm bán tại TP.HCM.

Anh Tiếng kể cách làm lúa sạch khá đơn giản, dù cực công: Phải đào ao, đắp bờ bao quanh thửa ruộng để dưới ao nuôi cá, trên bờ nuôi vịt…, đó là những “khắc tinh” diệt trừ sâu rầy hại lúa. Tuy năng suất lúa giảm khoảng 30% so với cách canh tác lúa kiểu cũ (có sử dụng phân, thuốc trừ sâu), bù lại lúa sạch, người mua hoàn toàn an tâm.

Thật ra cách làm ra gạo sạch, gạo ngon an toàn không phải khó và mới mẻ. Cách đây hơn 10 năm, mô hình sản xuất “gạo thơm - tôm sạch” được nông dân Sóc Trăng hưởng ứng rộng rãi. Sau một vụ tôm, nông dân trồng lúa dưới ao tôm, chỉ sử dụng thuốc sinh học - nấm xanh phòng trừ sâu rầy. Phương pháp canh tác, nhân cấy nấm xanh được chuyển giao phổ biến cho nông dân, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, nguyên Phó GĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng nói: Dùng nấm xanh phòng trị sâu rầy được Cục Trồng trọt và Cục BVTV công nhận là giải pháp tiến bộ kỹ thuật. Cho đến nay nông dân Sóc Trăng còn duy trì bền bỉ. Vừa qua Cty Trung An ở Thốt Nốt (Cần Thơ) đặt hàng thu mua gạo sạch xuất khẩu. Nông dân tại vùng nguyên liệu đã đặt mua 3.000 gói nấm xanh để phòng trị sâu rầy cho lúa.

Muốn được chứng minh sản phẩm an toàn Một số nông dân, nhà vườn, ngư dân khai thác thủy hải sản mong được tham gia mạng lưới liên kết sản xuất hàng sạch với sự trợ giúp của Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia. Đó là cách để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, làm thế nào sản phẩm sản xuất ra có thể truy nguyên nguồn gốc, tạo sự an tâm với người tiêu dùng.
Anh Lê Ngọc Bích, chủ vườn quýt hồng ở Lai Vung, Đồng Tháp, đã áp dụng IPM để trồng trái ngon, an toàn. Anh Võ Văn Sáu trồng cam ở Tam Bình, Vĩnh Long, cam kết trồng cam sạch, sử dụng phân thuốc đúng cách, đảm bảo thời gian cách ly an toàn trước khi hái bán.

Anh muốn nhờ máy kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên trái để người mua tin tưởng. Chị Diệp Ngọc Hạnh, chủ cơ sở kinh doanh hải sản TH tại Cần Thơ, băn khoăn, bức xúc vì sao cá, tôm vùng biển sạch xứ mình ở Cà Mau khi bán về Cần Thơ hay các tỉnh khác qua tay thương lái lại mang tiếng tẩm ướp hóa chất, thậm chí gây tai tiếng ngâm nước để tăng trọng, ăn gian.

Gia đình các anh em chị làm nghề khai thác hải sản, mỗi tháng cung ứng hải sản đông lạnh tươi ngon về Cần Thơ, chị rất muốn chứng minh sản phẩm của mình sạch 100% không sử dụng bất kỳ hóa chất bảo quản nào, đồng thời giá bán phù hợp để người mua, tin dùng với hương vị biển Cà Mau.

Đồng tham gia những thành viên sáng lập “Mạng lưới sản xuất sạch”, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Yanmar tại Việt Nam cho biết, Cty Sukiya của Nhật Bản đang khảo sát thị trường, trong năm nay chuẩn bị mở chuỗi nhà hàng bán thức ăn 24/24, khởi đầu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong quá trình khảo sát dự kiến tìm tới những địa chỉ các DN, HTX hay THT sản xuất hàng nông - thủy sản như thịt heo, tôm, cá, cua, rau… đạt chuẩn an toàn với nguồn cung lớn, ổn định. Trong giai đoạn hội nhập, Việt Nam là một trong các nước thành viên hiệp định TPP, trong đó Mỹ sẽ là một thị trường lớn.

Ông Minh Phạm, Ban quản lý NOCNDEAL (Mỹ) cho hay: Muốn bán hàng qua Mỹ, chúng ta cần nghiên cứu các tiêu chuẩn nông sản của Mỹ như GlobalGAP hoặc như nông sản hữu cơ thì quá tuyệt. Nhưng cách giúp sản phẩm có đầu ra cần có truyền thông quảng bá.

Do đó, sắp tới NOCNDEAL sẽ ưu tiên với các DN thuộc ngành trọng điểm của Việt Nam, gặp gỡ các đơn vị sản xuất hàng sạch để tìm cách giúp sản phẩm sạch không bị áp lực bởi cạnh tranh giá rẻ, tiếp cận với người mua thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
 

Bình luận của bạn