Kết nối sản phẩm hàng việt để thu hẹp khoảng cách vùng miền
Chương trình OCOP thực sự đã mang lại hiệu quả rõ nét, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Chiều 26/9, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo “Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019”.
Đây là sự kiện thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ và nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 (AgroViet 2019).
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của đất nước, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực và đi vào cuộc sống mà điển hình như chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, chương trình khuyến công hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển…
Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn khu vực này.
Ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc xây dựng, triển khai Chương trình OCOP. Vì vậy, từ năm 2013 với 48 sản phẩm và 40 đơn vị tham gia thì đến tháng 9/2019, Quảng Ninh đã có 164 đơn vị và 412 sản phẩm OCOP, 196 sản phẩm đạt sao.
Đây là những đặc sản có thế mạnh, mang thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh; là món quà đặc trưng vùng miền cho khách du lịch, sản phẩm tin cậy của người dân; là nguồn hàng để xúc tiến thương mại trong tỉnh và xuất khẩu tại chỗ, hạn chế hàng hóa không rõ nguồn gốc...
Chương trình OCOP thực sự đã mang lại hiệu quả rõ nét, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để Chương trình OCOP tại địa phương đạt hiệu quả cao, Quảng Ninh đã xóa bỏ rào cản về khoảng cách địa lý, tạo cơ hội để sản phẩm vươn xa, phát triển hạ tầng giao thông, thương mại để mở ra những đường mới cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương rộng rãi trên nhiều thị trường.
Theo ông Lê Hồng Giang, đến nay tỉnh đã hình thành hệ thống chuỗi 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức từ 2-3 hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh hàng năm. Cơ chế chính sách xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm như: Nghị quyết số 148 ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại...
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, hiện tỉnh này đã có nhiều hoạt động hỗ trợ; trong đó có việc triển khai chương trình OCOP.
Đến nay, Bắc Kạn đã có 56 tổ chức cá nhân tham gia với 76 sản phẩm đăng ký; trong đó có 32 sản phẩm đã được gắn sao. Hơn nữa, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tham gia các hoạt động trong tỉnh và các tỉnh bạn. Phát triển du lịch sinh thái....và hu nhập của các tổ chức kinh tế và bà con nơi đây tăng từ 1,5 - 2 lần.
Tuy vậy, ngoài những cơ hội, các sản phẩm OCOP đang đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ mở cửa, dản phẩm vẫn còn thiếu sự phong phú, đa dạng, mẫu mã, bao bì còn chưa phòng phú.
Toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau nhưng chỉ có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.
Để sản phẩm đặc trưng vùng miền có thể tiếp cận các kênh phân phối, ông Vũ Hòa - Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê cho rằng, các doanh nghiệp phải có đủ giấy chứng nhận, cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp.
Bên cạnh đó, thông tin trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng miền nên có câu chuyện riêng để tạo điểm nhấn, sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác./.