Kết nối sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn
Sáng nay (5/10), tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội nghị “Kết nối các doanh nghiệp sản xuất - phân phối hàng Việt Nam”, đặc biệt trong mảng thực phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hội nghị được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm Việt Nam an toàn và chất lượng. Đồng thời tạo nguồn cung hàng Việt Nam cho hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ, kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...
Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được triển khai và đến nay, hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn đã được xây dựng trên cả nước, trong đó có trên 90% là hàng Việt Nam. 12 tỉnh thành phố đã xây dựng được điểm cung ứng vật tư nông sản cho bà con nông dân hoặc điểm tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Hàng nghìn hợp đồng tiêu thụ hàng hóa cho bà con đã được ký kết…
“Đặc biệt, hoạt động kết nối cung cầu còn đem lại những hiệu quả không đo đếm được như tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối, giữa người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của bà con. Bằng chứng là đến nay, đã có hàng loạt hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được xây dựng trên phạm vi cả nước, là nguồn cung cấp thực phẩm an toàn đa dạng, hữu ích cho người tiêu dùng” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, việc kết nối cung cầu thực phẩm an toàn vẫn còn những tồn tại. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết, vẫn còn khó khăn, hạn chế trong việc tiêu thụ thực phẩm ở cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống như hàng hóa còn hạn chế về thương hiệu; sản lượng hàng chưa đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục cho các kênh phân phối; công nghệ chưa hiện đại khiến hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn...
Để hạn chế tình trạng này, Hiệp hội các nhà bán lẻ đề xuất xây dựng một trung tâm giao dịch thực phẩm an toàn; hỗ trợ tài chính để vận động các doanh nghiệp, tổ chức tham gia trung tâm giao dịch này. Đồng thời xây dựng cơ chế mua chung/mua theo nhóm cho các nhà bán lẻ thành viên nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào cho các điểm bán.
Bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm, với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đang có sẵn, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và các đơn vị thông tấn báo chí, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ xây dựng logo riêng cho các điểm bán đảm bảo an toàn nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác các điểm bán.