Kết nối thương mại - nhiều "nhà" cùng lợi
19h06 ngày 12/09/2017
Thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, Hà Nội đã, đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các đặc sản vùng, miền. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, từng bước xác lập thế ổn định trên thị trường.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm trong Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại siêu thị Big C, Hà Nội. Ảnh: Hải Anh |
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng để phát triển sản xuất, đưa sản phẩm thế mạnh của các địa phương có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá hợp lý đến với người tiêu dùng Thủ đô. Riêng năm 2016, Hà Nội đã thực hiện kết nối cung - cầu với hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, đã có gần 400 doanh nghiệp Hà Nội tham gia và ký kết 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế về khai thác sản phẩm lợi thế từ các tỉnh, thành phố tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, bảo đảm nguồn cung những mặt hàng mà Hà Nội chưa tự cung ứng đủ, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Qua các cuộc kết nối thương mại, nhiều sản phẩm thế mạnh của các địa phương như gạo tám Điện Biên, mỳ Chũ Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn, xoài cát Hòa Lộc, nước mắm Phú Quốc và nhiều loại thủy - hải sản, thực phẩm chế biến, trái cây khác... đã có mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại của Hà Nội như Hapro, Big C, Co.opmart, Vinmart, Fivimart, Intimex...
Xách 5 túi nhãn lồng Hưng Yên vừa mua tại Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại siêu thị Big C về cho gia đình và bạn bè, chị Nguyễn Chi Mai (quận Cầu Giấy) vui vẻ chia sẻ, trước đây mỗi khi muốn thưởng thức những sản vật hay các loại đặc sản của các vùng, miền, chị thường phải nhờ bạn bè, người thân đi công tác mua về. Bây giờ thì có thể dễ dàng tìm mua được ngay tại các siêu thị hay các Tuần hàng Việt được tổ chức trên địa bàn thành phố, giá cả lại phải chăng.
Tại hội nghị Đầu tư kết nối tiêu thụ nông sản và du lịch do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết hợp đồng đưa sản phẩm của địa phương này vào hệ thống siêu thị. Điển hình là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ký kết tiêu thụ quả táo mèo với giá trị 200 - 300 triệu đồng/năm; tiêu thụ chè xanh, chè đen của Hợp tác xã Nông nghiệp Hà Anh với giá trị 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Hapro còn hợp tác với một số doanh nghiệp tỉnh Sơn La tiêu thụ sản phẩm rượu Vodka trị giá khoảng 700 triệu đồng/năm. Công ty cổ phần Nhất Nam kết nối tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Rau an toàn tự nhiên Mộc Châu...
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, hiện có 70 - 80% lượng trái cây an toàn trong hệ thống của công ty đang phân phối trên thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của TP Hà Nội. Việt Nam có nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng, nên việc duy trì các chương trình kết nối cung - cầu giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố cả nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô.
Hình thành chuỗi phát triển bền vững
Hà Nội có hạ tầng thương mại với quy mô lớn, mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, việc kết nối cung - cầu hàng hóa đã, đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, hình thành các chuỗi liên kết, cộng đồng phát triển bền vững. Năm 2017, dự kiến TP Hà Nội sẽ tiêu thụ lượng hàng hóa do các tỉnh, thành phố trong cả nước sản xuất đạt giá trị hơn 17.000 tỷ đồng. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng sẽ tiêu thụ lượng hàng hóa do TP Hà Nội sản xuất ước tính đạt trên 6.500 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, hiện nay quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở các địa phương còn nhỏ, chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn, dài hạn cho các nhà phân phối tại Thủ đô. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản chưa được đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, mẫu mã sản phẩm kém nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, trong quá trình hỗ trợ người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành chức năng cần đẩy mạnh phối hợp thông tin, định hướng cung - cầu; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, GlobalGAP… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông - thủy - hải sản.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì; chủ động xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản để cung cấp cho doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng thuận lợi hơn. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội với các doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương để thiết lập kênh kiểm soát từ nguồn cung sản phẩm cho đến lưu kho và phân phối.
Thực hiện chủ trương xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhiều "nhà": Doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh trong việc khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm công nghiệp bằng hình thức tổ chức các buổi giao thương tìm hiểu nhu cầu cung ứng giữa các bên; ký kết các biên bản hợp tác, hợp đồng mua bán hàng hóa và tổ chức khảo sát thực tế. TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thiết lập chi nhánh, cơ sở thu mua, chế biến hoặc hợp tác đầu tư tại các địa phương nhằm khai thác, tiêu thụ nguồn hàng là thế mạnh tại thị trường các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: Tự hào Việt
Bình luận của bạn