Kết nối trái cây với các kênh phân phối

Nhằm đổi mới nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện và tăng cường sự hiểu biết giữa người trồng cây ăn quả với các doanh nghiệp (DN), chiều 25/11, tại huyện Lục Ngạn, Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo “Kết nối trái cây với các kênh phân phối”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Sách Thực – Chủ tịch UBMT Tổ quốc, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong những năm qua, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành… tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Các cơ quan thông tin tuyên truyền đã tuyên truyền đậm nét, thường xuyên về hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn.

Trong thời gian qua, Lục Ngạn đẩy mạnh tập trung tuyên truyền 8 sản phẩm chủ lực (lợn, lúa, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, gà, cá, rau các loại, cam, lạc); 14 sản phẩm đặc trưng và 26 sản phẩm tiềm năng đã được UBND tỉnh phê duyệt… Qua đó đã phát huy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc và tình cảm đoàn kết, chung sức chung lòng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng ưa thích, mua sắm, sử dụng, đặc biệt vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho hay: Ngoài việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản với các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016 Sở Công Thương Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh ký kết kế hoạch hợp tác, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực…; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh nhất là các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap với khách hàng trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã tham mưu tổ chức thành công Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016 lần thứ nhất và Ngày hội trái cây lần thứ nhất năm 2016 tiếp tục là giải pháp giúp trái cây Bắc Giang tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại…

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại trái cây của cả nước, trái cây Lục Ngạn đang đối mặt với không ít thách thức: Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa có công nghệ đại trà để bảo quản, chế biến sau thu hoạch, phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô…. nên giá trị gia tăng thấp…

Chính vì vậy, chia sẻ tại hội thảo, nhiều chuyên gia, DN cho rằng, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm cây ăn quả, rau trái của Bắc Giang hơn nữa, người sản xuất và người bán hàng Bắc Giang ngoài việc phải làm sao để khẳng định rau quả đó là sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc, thì cần có sự chuyển đổi trong tư duy. Phải xác định sản xuất theo cái thị trường cần chứ không đơn thuần là cái địa phương sẵn có. Bên cạnh đó, các cơ quan chức  năng cần có những dự báo, phân tích những thách thức trong phát triển sản phẩm cây ăn quả…; có các giải pháp về quy hoạch, tích tụ đất đai, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến tiêu thụ, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực rau củ quả…

Năm 2016 được đánh giá là năm tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại, thông tin, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng và đã đạt được những kết quả bước đầu. Phát huy những hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Lục Ngạn dự kiến tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Thực hiện các hoạt động kết nối với các tỉnh Đông Tây Nam Bộ… nhằm ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị (Big C, Co.opmart), trung tâm thương mại, chợ đầu mối… Tạo điều kiện để các DN, nhà sản xuất gặp gỡ, trao đổi, lựa chọn được các đối tác thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn – phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hội thảo “Kết nối trái cây với các kênh phân phối” đã tạo điều kiện thuận lợi để các bên giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình, tôn vinh các DN, doanh nhân tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm tiềm năng, có thành tựu trong hoạt động tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi tiêu dùng. Đó là cũng chính là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Bình luận của bạn