Khu vực phía Nam: Liên kết nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) sẽ phối hợp 21 tỉnh thành phía Nam cùng các nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Chương trình tạo cầu nối cho các nhà sản xuất, cung ứng và nhà phân phối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.
Các ngành hàng sẽ tham gia kết nối bao gồm: nông sản - thực phẩm tươi sống (rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy hải sản; thực phẩm chế biến (các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm…); lương thực (gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo); các mặt hàng khác liên quan nông sản - thực phẩm (bánh kẹo, nước trái cây, nước chấm…)
Để chuẩn bị cho hội nghị kết nối lần thứ nhất, dự kiến sẽ được tổ chức ngay trong tháng 7 tới, đạt hiệu quả cao nhất, ITPC sẽ cùng các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam bộ và Đông Nam Bộ thống nhất các tiêu chí lựa chọn thực phẩm an toàn để đăng ký tham gia. Cụ thể các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (nhà cung cấp) phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm theo các yêu cầu như có các chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (GlobalGAp, VietGAP, HACCAP,..); có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm có nhãn mác, bao bì; thông tin về sản phẩm rõ ràng. Riêng với các mặt hàng thịt, cá, gia súc, gia cầm cần có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong qui trình nuôi và giết mổ.
Ngoài ra, các nhà cung cấp khi đăng ký tham gia hội nghị để được kết nối với các nhà phân phối, tùy theo từng ngành hàng phải gửi đến Ban tổ chức bộ hồ sơ năng lực bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện chất lượng an toàn đối với từng nhóm sản phẩm theo yêu cầu luật định và còn hiệu lực.
Đến nay tổng số nhà cung cấp đã đăng ký là gần 200 đơn vị, trong đó có nhiều loại hình: công ty, DN tư nhân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ sản xuất, trang trại, hộ sản xuất… Và ITPC cũng đã tổ chức gặp gỡ trên 20 nhà phân phối, gồm các DN lớn có hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm (như Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – SATRA, Vingroup, Lotte, BigC, Metro, Công ty Lương thực TP.HCM…); Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn); các công ty thu mua nông sản xuất khẩu… để cung cấp danh sách, thông tin các đơn vị sản xuất của các địa phương có nhu cầu cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn.
Từ phía các nhà phân phối, họ đều có yêu cầu các địa phương tham gia chương trình kết nối có bước sàng lọc các đơn vị sản xuất đăng ký kết nối đủ tiêu chuẩn theo tiêu chí mà ban tổ chức đã đưa ra, kiểm tra các chứng nhận sản xuất theo các qui trình an toàn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong qui trình nuôi và giết mổ… ITPC cũng tiếp nhận nhu cầu tham quan nơi sản xuất, chế biến của các nhà cung cấp để tổ chức cho nhà cung cấp tìm hiểu thực tế.