Kích cầu tiêu dùng hàng Việt

Với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao, Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa nói chung và hàng Việt Nam nói riêng. Nhiều giải pháp đã được địa phương này triển khai để tiếp tục đưa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) vào chiều sâu, kích thích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo Ban chỉ đạo CVĐ TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2017, để kích cầu mua sắm hàng hóa Việt, đồng thời quảng bá các sản phẩm do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, hàng loạt các chương trình xúc tiến tiêu dùng đã được tổ chức. Nhiều chuyến đưa hàng Việt về ngoại thành, nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất đã được triển khai. Ngày hội sản phẩm, hàng hóa "Vì người tiêu dùng" và "Tuần lễ tri ân người tiêu dùng" được tổ chức vào tháng 3 đã trở thành điểm nhấn của các chương trình xúc tiến hàng Việt với quy mô 60 gian hàng và 50 điểm bán. Đây cũng là chương trình nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng với lượng hàng hóa tiêu thụ khả quan. 

Trong bối cảnh thực phẩm kém an toàn trở thành mối lo của người dân, kết nối cung - cầu nông sản an toàn là một trong những hoạt động được chú trọng triển khai trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức 45 gian hàng giới thiệu sản phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất và DN trên địa bàn. Các quận, huyện cũng chủ động xây dựng chương trình phân phối nông sản, thực phẩm an toàn, như: Sóc Sơn xây dựng cửa hàng cung ứng và giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn; Thanh Oai lập danh sách các sản phẩm đặc trưng truyền thống để người tiêu dùng mua sắm khi có nhu cầu; Nam Từ Liêm tổ chức 2 điểm bán thực phẩm sạch… 

Dù có nhu cầu lớn nhưng Hà Nội là địa phương có yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa. Do đó, các DN trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng CVĐ theo hướng chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sự đa dạng của hàng hóa, giảm giá thành… Đến nay, nhiều sản phẩm trên địa bàn như: Khóa Việt Tiệp, dây cáp điện Trần Phú, bánh kẹo Hữu Nghị… không những trở thành sản phẩm trọng điểm của thành phố mà còn được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Các sản phẩm này cũng được bày bán ở nhiều vị trí tốt cả ở siêu thị và chợ truyền thống. Thống kê của Ban chỉ đạo CVĐ thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công sở, cơ quan trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng cao hơn so với năm 2016.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 4.685 vụ, xử lý 4.387 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm trên 65,6 tỷ đồng.

Trong những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo CVĐ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền CVĐ đến các DN, người tiêu dùng với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt, gắn các chương trình CVĐ với hoạt động hỗ trợ DN của thành phố. Sở Công Thương Hà Nội sẽ có trách nhiệm khảo sát, phổ biến rộng rãi về các sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao tới đông đảo người tiêu dùng; đẩy mạnh đưa hàng hóa về nông thôn, khu công nghiệp, hệ thống phân phối tại nước ngoài…

Bình luận của bạn