Long An đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như cây thanh long; chanh; rau ăn lá; lúa và các giống vật nuôi bò ngoại, lợn ngoại; các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An từ năm 2015, bình quân hàng năm, nông dân tại Long An sản xuất trên 180.000 tấn rau, 300.000 tấn hoa quả, sản lượng thịt hơi các loại trên 72.000 tấn, 160 triệu quả trứng gia cầm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, sản lượng sản xuất nông sản có chiều hướng gia tăng nhưng kênh tiêu thụ nông sản thông qua thương lái vẫn chiếm số lượng khá lớn; hình thức kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là theo hộ gia đình; chưa có sản phẩm chủ lực; việc liên kết để tiêu thụ, quảng bá nông sản chưa mạnh mẽ…
Để hỗ trợ nông dân trong tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa, tỉnh Long An đã xác định TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn cùng với lợi thế là địa bàn giáp ranh nên việc liên kết, kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của Long An rất thuận lợi. Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện bản thỏa thuận hợp tác, Sở Công Thương tỉnh Long An đã mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) để liên kết xây dựng chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa. Từ đó, giúp sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã của Long An có đầu ra ổn định, sản phẩm nông dân làm ra dễ tiêu thụ.
Hiện, Sở Công Thương tỉnh Long An cung cấp thông tin 34 cơ sở sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP; 7 cơ sở, Hợp tác xã cung ứng chanh không hạt cho doanh nghiệp để liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh.
Cùng với việc hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản ở các thành phố lớn, Sở Công Thương tỉnh Long An còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia 15 hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; 14 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới và khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, kết nối các doanh nghiệp để tham gia hội chợ, triển lãm đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc...
Đáng chú ý, trong năm 2018, tỉnh Long An tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ các tỉnh phía Bắc; gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm hiểu phương thức, điều kiện cung ứng hàng hóa… Nhờ đó, tỉnh này đã thực hiện được 139 hợp đồng cung ứng tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm. Hầu hết, các hợp đồng được triển khai thực hiện hiệu quả và sản lượng cung ứng hàng hóa nông sản theo chiều hướng tăng.
Điển hình như Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình ký hợp đồng cung cấp chuối cho hệ thống Satra, Sài gòn Co.op, chợ đầu mối Thủ Đức và các shop trái cây ở thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác xã rau an toàn Việt ký 10 hợp đồng cung ứng rau vào chuỗi nhà hàng thành phố; Công ty TNHH rượu Thanh Long ký 13 hợp đồng đại lý phân phối rượu thanh long; Hợp tác xã thanh long Long Trì ký 2 hợp đồng cung ứng thanh long cho 2 doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội…
Đạt được kết quả này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Lê Minh Đức khẳng định, hiện nay, các mặt hàng rau sạch, an toàn của Long An có chỗ đứng trên thị trường và đây là niềm tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Long An.
Mô hình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP của lão nông Út Huy, huyện Đức Huệ, Long An được xuất sang thị trường Nhật Bản, Malaysia, Singapore
Xác định rõ giải pháp như vậy, tỉnh Long An đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nông sản sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Cụ thể, tỉnh Long An đã mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; sắp xếp, bố trí các điểm bán hàng và nhân rộng mô hình chợ, điểm bán nông sản thực phẩm an toàn tại chợ; hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và phát triển thị trường.
Song song với đó, tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, chú trọng vào các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch…) Đặc biệt, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ chanh không hạt, thanh long vào các hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc./.