Lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng
Sau 7 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.
Người Việt chuộng hàng Việt
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, sau gần 7 năm triển khai, CVĐ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, kích thích lòng yêu nước, khuyến khích người dân ưu tiên hàng Việt trong mua sắm và sử dụng. 63% số người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt. Hàng Việt Nam đang chiếm ưu thế tại các kênh phân phối với 90% tại siêu thị, 70 – 80% tại cửa hàng tiện lợi và tạp hóa, 60% tại chợ truyền thống...
Bên cạnh đó, người dân khu vực nông thôn, miền núi cũng có nhiều cơ hội mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt thông qua các đợt bán hàng về nông thôn. Trong năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 171 đợt bán hàng về nông thôn với 2.355 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 20.000 tỷ đồng…
Hàng Việt Nam vẫn được lòng người tiêu dùng còn được khẳng định qua kết quả của Báo cáo toàn cầu “Nguồn gốc quốc gia của các nhãn hàng” do Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen mới công bố. Báo cáo cho thấy, sự ưa thích nguồn gốc quốc gia của sản phẩm và sở thích của người tiêu dùng là yếu tố có lợi cho DN trong nước so với các đối thủ là công ty đa quốc gia.
Gần phân nửa người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẽ chọn sản phẩm nội địa (48%) thay vì sản phẩm của DN ngoại (9%). Bên cạnh đó, yếu tố giá (40% người Việt chọn nhãn hàng nội địa) và các thành phần chế biến an toàn (27%) cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa sản phẩm nội hay ngoại của người tiêu dùng.
Thông tin trên được xem là điểm sáng, mang lại niềm tin cho DN Việt, đặc biệt trong bối cảnh hàng Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… đang ồ ạt vào các kênh bán lẻ hiện đại thông qua mua bán, sáp nhập.
Chú trọng sản phẩm chất lượng cao
Nhằm nhân rộng kết quả CVĐ thời gian tới, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hàng hóa sản xuất trong nước, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho hay, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động như tiếp tục hỗ trợ xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các kênh truyền thông nhằm tạo sự lan tỏa cho CVĐ. Năm 2016, Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên sẽ tiếp tục được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Chương trình hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước sẽ được triển khai mạnh. Riêng với khu vực nông thôn, miền núi, chương trình xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai mạnh mẽ để hình thành mạng lưới phân phối rộng khắp cho hàng Việt. Các hội nghị kết nối giữa DN sản xuất và DN phân phối được đẩy mạnh tổ chức, trong đó chú trọng tổ chức các hội nghị cấp vùng để tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm Việt.
Ngoài giải pháp được Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ triển khai, Công ty Nielsen cũng khuyến cáo, DN trong nước cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt sản phẩm cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.