Nâng tầm thương hiệu – Kết nối giao thương
Trong 2 ngày 11 và 12/8, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng và hình ảnh Lạng Sơn đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết nối, xây dựng chuỗi giá trị, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Những ngày này, từ sáng sớm đến chiều tối, hàng ngàn người trồng na từ Chi Lăng, Hữu Lũng, Lai Kinh, Hòa Lộc... mang na về chợ Đồng Bành (huyện Chi Lăng) để bán cho khách du lịch và thương nhân Trung Quốc. Người dân trồng na cho biết, na năm nay được mùa và được giá. Hiện giá bán dao động từ 30 - 70 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng quả, cao hơn từ 10 - 30 nghìn đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái.
Theo ông Đoàn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng - từ 10 ha năm 2015 đến nay, toàn huyện đã có 90 ha được chứng nhận sản xuất VietGAP, 5 ha GlobalGAP và gần 1.000 ha khác đăng ký kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi triển khai các mô hình này, năng suất, chất lượng sản phẩm na được tăng lên và ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận được bảo hộ và đăng ký nhãn hiệu năm 2011. Được ghi danh trong "Top 50" đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam, năm 2017 được tôn vinh "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam".
Nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, kết nối, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng bền vững. Năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định tổ chức Ngày hội na Chi Lăng với 52 gian hàng trưng bày. Sẽ có nhiều hoạt động tại đây như: Tổ chức phát động sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; thăm quan khu vườn mẫu; ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ giữa các đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Đoàn Thanh Sơn chia sẻ, những năm trước đây, với mục đích tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất, vào mỗi vụ na, Chi Lăng đã tổ chức hội thi với sự tham gia của các xã, thị trấn trồng na trong huyện. Trong năm 2016, huyện đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng. Đến nay, na Chi Lăng đã có những bước phát triển mạnh cả về diện tích (1.500ha), sản lượng (15.000 tấn) và chất lượng, đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là lý do để địa phương tổ chức Ngày hội na Chi Lăng lần thứ nhất.
Để phát triển, nâng tầm thương hiệu cho quả na Chi Lăng, ông Đoàn Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức điểm kết nối tiêu thụ na Chi Lăng tại Hà Nội để giới thiệu rộng rãi cũng như cung cấp sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng trong cả nước. Bên cạnh đó, tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng tới xuất khẩu sang một số thị trường khó tính. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, cũng như công nghệ chế biến các sản phẩm từ quả na.