Người tiêu dùng Việt Nam thay đổi ra sao?
Thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện phân hóa theo thu nhập của người tiêu dùng, trong khi thị trường tiêu dùng chung tăng trưởng tốt hơn chủ yếu nhờ vào nhóm người có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao. Người tiêu dùng thành thị có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí, ăn uống ngoài hàng quán, đem lại nhiều cơ hội cho các thương hiệu ngoại.
Thị trường phân hóa giữa các nhóm thu nhập
Theo thông tin do công ty chuyên về nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cung cấp, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở khu vực thành thị (4 thành phố lớn bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam trong một năm qua (tính từ tháng 9-2015 đến tháng 8-2016) đạt tốc độ tăng trưởng gần như nhau, lần lượt là 4,3% và 4,1%.
Theo đó, thị trường FMCG tại thành thị có nhiều dấu hiệu khả quan trong việc lấy lại đà tăng trưởng (cao hơn so với mức 2,3% của cùng kỳ năm ngoái) khi các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng dương. Trong khi đó, ở thị trường nông thôn, mức tăng trưởng tiếp tục chậm hơn so với những năm trước (cùng kỳ năm ngoái đạt 8,9%), trong đó ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc gia đình chịu tác động và bị sụt giảm rõ rệt nhất.
Xu hướng tiêu dùng phân hóa theo thu nhập của người tiêu dùng cũng khá rõ ràng. Thị trường hàng tiêu dùng nhanh nhìn chung tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tăng trưởng ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao. Ở khu vực nông thôn, tăng trưởng chung bị tác động và giảm chủ yếu ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn, nhưng vẫn đạt tăng trưởng hai chữ số ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao hơn.
Xu hướng tiêu dùng ưu tiên sự tiện lợi
Về xu hướng mua sắm, theo Kantar Worldpanel, người tiêu dùng hiện nay ưu tiên cho các kênh mua sắm tiện lợi và gần nhà. Theo đó, các kênh mua sắm đáp ứng được nhu cầu này tăng trưởng rất tốt và dẫn đầu tăng trưởng chung cho cả thị trường.
Trong đó, với thị phần chiếm ưu thế, cửa hàng tạp hóa và tạp hóa nhỏ lần lượt tăng thêm thị phần ở khu vực thành thị và nông thôn, đồng thời vẫn tăng trưởng khá ổn định. Những kênh mua sắm mới nổi ở thành thị như siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi hay thương mại điện tử cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng chú ý ở mức hai con số, tương ứng là 56% và 33%.
Tiện lợi, nhanh chóng, gần nhà hay trên đường về nhà là những đặc điểm chung của những kênh mua sắm này, giúp người mua tiết kiệm thời gian hơn trong việc mua sắm với nhịp sống hối hả của ngày nay. Kantar Worldpanel dự đoán những kênh mua sắm này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và giành thêm thị phần trong dài hạn.
Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư trong chuỗi siêu thị và đại siêu thị những năm gần đây tại thị trường Việt Nam, các kênh mua sắm hiện đại nói chung được dự đoán sẽ phát triển mở rộng hơn nữa và sẽ chiếm khoảng 25% thị phần bán lẻ đến năm 2020.
Ngoài ra, một nghiên cứu về triển vọng tiêu dùng trong tương lai của người tiêu dùng Việt Nam được Công ty TNS công bố vào cuối tháng 6-2016 cho thấy một xu hướng tiêu dùng khá khả quan tại thị trường Việt Nam.
Theo nghiên cứu Consumer Pulse (Nhịp đập tiêu dùng) mà TNS công bố, quí 2-2016 niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó nhờ cảm giác tích cực và sự tự tin về việc làm hiện tại cũng như trong tương lai của họ.
Điều này có nghĩa là tiêu dùng cũng nhờ đó tăng lên. Chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam hàng tháng hiện đã tăng so với năm 2015, trong đó mỗi người Việt Nam trung bình dự kiến tiết kiệm 17% thu nhập và chi tiêu 83%. Nghiên cứu cho thấy 30% người tiêu dùng khi được hỏi cho biết có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn trong 12 tháng tới.
Người tiêu dùng cũng đang thay đổi thói quen và chi tiêu nhiều hơn để tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Thay đổi này đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực ăn uống khi người Việt dành nhiều thời gian cho các hoạt động giao lưu bạn bè, tụ tập ở các quán xá. Nếu cách đây 20 năm phụ nữ vẫn giữ vai trò truyền thống trong gia đình, giờ đây họ là một phần không thể thiếu trong lực lượng lao động. Ra ngoài ăn uống hiện là một phần của công việc, do đó không còn quan điểm coi thường những người phụ nữ ra ngoài ăn uống với đồng nghiệp và bạn bè. Điều này cũng đem lại nguồn khách hàng mới cho các thương hiệu đồ uống.
Người tiêu dùng giờ đây cũng tiêu thụ thức ăn nhanh nhiều hơn 17% so với thời điểm cách đây 20 năm, theo đó tạo cơ hội cho các sản phẩm và thương hiệu tập trung vào sự tiện lợi. Các thương hiệu quốc tế có lợi thế ngày càng lớn khi có tới 81% người tiêu dùng khi được hỏi cho biết họ cảm thấy thức ăn của những thương hiệu quốc tế có chất lượng cao hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy hiện có 79% người tiêu dùng trung thành với những thương hiệu thức ăn họ đã từng dùng thử, trong khi đó tỷ lệ này là 92% vào năm 1999, điều này cho thấy nhiều người tiêu dùng hiện thích sự trải nghiệm - đây là một đặc điểm mà các thương hiệu cần phải thích ứng.
Không chỉ hoạt động bên ngoài đang thay đổi, mà Internet ngày càng phổ biến cũng đang thay đổi cách người tiêu dùng giải trí tại nhà. Các hoạt động trực tuyến ngày càng gia tăng, thay thế ti vi, trở thành hoạt động phổ biến nhất hiện nay được người dân thành thị sử dụng để giải trí tại nhà.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn xem cùng lượng thời gian như trước đây. Vào năm 1999, họ dành trung bình 2,3 tiếng đồng hồ cho việc xem ti vi, và hiện mỗi ngày họ dành 1,3 giờ để xem các video trực tuyến và 1,2 giờ để xem ti vi.
Hiện nay quảng cáo qua kênh truyền hình vẫn có hiệu quả, nhưng theo TNS, các thương hiệu muốn dành lợi thế so với đối thủ cạnh tranh cần xem xét đến cách người tiêu dùng đang quan tâm đến các nội dung video.
Quảng cáo trên các kênh thể thao hiện cũng đem lại cơ hội cho các thương hiệu đang muốn phát triển phân khúc tiêu dùng. Hiện lượng người thường xuyên xem thể thao đã tăng 22% trong 20 năm qua. Khi xem thường xuyên các kênh quốc tế, người tiêu dùng nhận biết nhiều hơn các thương hiệu quốc tế và dần thay đổi phong cách cũng như kỳ vọng.