Sản xuất nông nghiệp phải gắn với tiêu thụ nông sản

Những ứng dụng này giúp người nông dân khỏi phải phụ thuộc vào thời tiết, tiết kiệm sức lao động, mà lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với lối canh tác cũ. Nhưng chỉ một thời gian sau, tôi được biết, nước ta đã có cả mô hình trồng rau trong nhà kính, có lắp đặt các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm. Người nông dân có thể điều chỉnh “thời tiết”... theo ý muốn.

Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi lớn. Gần đây, khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, nhiều người đã đề cập việc Việt Nam xây dựng “nông nghiệp 4.0”, “nông nghiệp thông minh”. Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, có những diễn giả tự tin khẳng định, nông dân Việt Nam đã sẵn sàng với nông nghiệp 4.0, một số địa phương còn phát động phong trào làm nông nghiệp 4.0... Vậy nhưng câu chuyện trồng rau trong nhà kính, có các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm... kể trên dù quá hiện đại với mặt bằng sản xuất chung song đó mới là mô hình sản xuất 3.0.

Nông nghiệp 4.0 là một “đẳng cấp” khác. Hệ thống dữ liệu của trồng trọt, chăn nuôi được số hóa và kết nối vào các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh. Người nông dân có thể ngồi ở một nơi nào đó rất xa trang trại, cầm chiếc điện thoại “làm nông nghiệp” không khác mấy so với khi người ta... chơi điện tử. Đó là khi rô-bốt không chỉ tham gia sản xuất, mà còn có thể làm luôn nhiệm vụ... quản lý. Chưa kể còn ứng dụng công nghệ trong các khâu: thu hoạch, vận chuyển, chế biến, truy xuất nguồn gốc hàng hóa...

Hà Nội là trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước. Thời gian qua, thành phố đầu tư mạnh cho ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng, hiện toàn thành phố mới có hơn 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chưa có một mô hình nông nghiệp 4.0 nào hoàn thiện. Một trong những lý do là với một hệ thống trang thiết bị đồ sộ và hiện đại như thế, đầu tư cho nông nghiệp 4.0 là hết sức tốn kém. Theo tính toán của một số cơ quan, đầu tư cho nông nghiệp 4.0 lên tới cả chục tỷ đồng cho mỗi ha. Trong khi đó, khi tính tới đầu ra, liệu có thể cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp thông thường hay không.

Những ngày gần đây, “thủ phủ” thanh long Bình Thuận đang ế hàng nghìn tấn. Nhiều người phải đổ thanh long cho gia súc ăn. Cùng thời điểm này, Ma-lai-xi-a ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam, vì tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Có điều, không ai bất ngờ khi đọc những thông tin ấy. Câu chuyện “khủng hoảng thừa”, hoặc bị đối tác nước ngoài dừng nhập khẩu sản phẩm do tồn dư chất cấm là câu chuyện quen thuộc với nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Cùng với đó, người tiêu dùng vẫn chưa bao giờ yên tâm vì không biết mình có được “ăn sạch” không khi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Cách đây chưa lâu, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) làm xét nghiệm ngẫu nhiên với 67 người ở Hà Nội thì có đến 31 người có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu. Nguồn thuốc bảo vệ thực vật này đến từ chính thức ăn, hoặc khi người ta tham gia sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp 4.0 có thể tạo ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam, nhưng trước khi nghĩ đến những “bước nhảy vọt” trong nông nghiệp thông minh, trước hết phải làm thế nào để không còn cảnh “giải cứu” các sản phẩm rơi vào tình trạng ế, thừa, rớt giá... mới là điều thiết thực.

Bình luận của bạn