Kết nối cung - cầu hàng hóa thúc đẩy sản xuất, phân phối phát triển

Sáng nay (23/12) tại TP.Hồ Chí Minh diễn ra  Hội nghị sơ kết Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố thuộc Đông-Tây Nam bộ năm 2015. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham dự và phát biểu tại hội nghị.  Lãnh đạo ngành công thương phía Nam và hơn 300 doanh nghiệp đã tham gia hội nghị.  

Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh -cho biết, chương trình triển khai kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa phong phú, số địa phương và doanh nghiệp (DN) tham gia, hợp đồng ký kết, mặt hàng cung ứng năm sau tăng hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012 chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa có 15 địa phương tham gia, ký kết 43 họp đồng; năm 2013 có 23 địa phương, ký kết 229 hợp đồng; năm 2014 có 38 địa phương, ký 347 hợp đồng.  Năm 2015, số địa phương, hợp đồng được ký kết tăng lên gần gấp hai lần so với năm 2014. Chương trình còn mở rộng số lượng, chủng loại mặt hàng, đặc biệt năm nay ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGap), đưa vào kênh phân phối truyền thống, đẩy mạnh truyền thông sản phẩm đạt chuẩn an toàn đến từng người dân.

Theo Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, sau 4 năm thực hiện chương trình, đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết, với tổng giá trị 20.000 tỷ đồng. Trong đó TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố trên 13.500 tỷ đồng, riêng TP. Hồ Chí Minh cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố khác 6.500 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Khoa- Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh- đánh giá, thông qua chương trình kết nối cung-cầu, hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ của thành phố đã tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp hàng hóa có uy tín, các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân, góp phần thực hiện bình ổn thi trường. Những hợp đồng đã được ký kết trở thành động lực hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm, từ đó mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai- cho biết,  Đồng Nai hiện có 1,5 triệu con heo, hơn 15 triệu con gia cầm, hàng trăm nghìn tấn trái cây đặc sản như xoài, sầu, riêng, chôm chôm một phần đã được tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh. Đồng Nai đang tập trung sản xuất các sản phẩm đặc sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà sản xuất rất mong muốn các DN đầu mối phân phối có thêm nhiều hợp đồng ký kết để cung ứng hàng hóa cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các vùng miền trên cả nước.

Tỉnh Ninh Thuận có nho, táo, tỏi, dê, cừu … là đặc sản của vùng đất Nam Trung bộ do nông dân và các cơ sở nhỏ sản xuất nên “đầu ra” của hàng hóa rất khó khăn. Đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận nhìn nhận, sản phẩm hàng hóa của Ninh Thuận nhiều, nhưng có rất ít hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn. Hy vọng, qua hội nghị kết nối cung -cầu này, các nhà phân phối cần ưu ái, quan tâm hơn đến sản phẩm đặc sản của Ninh Thuận trong năm tới.

Tại hội nghị, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã công bố thêm 4 DN đăng ký bán hàng hóa an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Bính Thân của người dân thành phố. Công ty sữa Việt Nam đăng ký 29 điểm bán sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế, Công ty TNHH Phạm Tôn đăng ký 6 điểm thịt gia cầm, Công ty CP Đầu tư TMDV Nữ Hoàng đăng ký 2 điểm bán rau- củ- qảu và  thịt gia súc đạt tiêu chuẩn VietGAP và Công ty CP Thành Thiên đăng ký 1 điểm bán nước mắm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố thuộc Đông-Tây Nam bộ làm lợi cho ba đối tượng. Các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, sản xuất, kinh doanh; hàng hóa ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ mua được hàng hóa chất lượng. Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa do TP.Hồ Chí Minh chủ xướng và đi đầu thực hiện, kết quả đã đạt được rõ ràng là bài học quý cần được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Để chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa phát triển và hướng tới tính chuyên nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, chương trình kết nối cung-cầu và chương trinh bình ổn thị trường cần kết nối với nhau cùng thực hiện để tạo thêm sức mạnh cho khâu sản xuất, phân phối và phục vụ người tiêu dùng.

Bình luận của bạn