Sở Công thương Hà Nội: Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2015, công tác phối hợp giữa Sở Công thương Hà Nội với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại tiếp tục được đẩy mạnh. Sự gắn kết giữa Sở và các đơn vị đã hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong ổn định, phát triển sản xuất.

Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp

Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trước bối cảnh đó, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, kịp thời cùng UBND thành phố giải quyết các vướng mắc của DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Nội. Nhờ đó, ước cả năm 2015, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,1% so với năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 11,5%. Riêng tháng 11, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.753 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 11.400 triệu USD, tăng 3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 25,670 triệu USD, tăng 5%.

Để hoàn thiện Quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) TP Hà Nội đến năm 2020, Sở Công thương đã triển khai rà soát, xác định cụ thể vị trí, hiện trạng sử dụng đất, quy mô diện tích đất trên địa bàn dành cho phát triển công nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại; phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát các khu, CCN để hoàn thiện Quy hoạch phát triển KCN, CCN thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tham gia ý kiến rà soát các dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn để đề nghị đưa vào danh mục các dự án "gọi" đầu tư. Sở đã phối hợp với các quận, huyện tổng hợp được diện tích 434ha của các CCN để bố trí cho 184 DN công nghiệp trong 12 quận nội thành phải di dời.

Qua nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị của DN, nhất là tại các huyện còn nhiều khó khăn, như Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, mở rộng CCN, tạo điều kiện bố trí mặt bằng sản xuất cho DN tại các cụm làng nghề Đan Phượng, Liên Chung, Liên Hà (huyện Đan Phượng); phối hợp với UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) và DN để giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các hộ sản xuất tại CCN làng nghề Đại Tự (xã Kim Chung); tổ chức tháo gỡ khó khăn về hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng các CCN thị trấn Quốc Oai, Nghĩa Hương, mở rộng CCN Ngọc Liệp. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã, đang xây dựng 107 CCN với tổng diện tích quy hoạch 3.192,9ha. Đáng chú ý, trong số 43 CCN đang hoạt động ổn định, cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, có 15 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Sở Công thương còn hướng dẫn UBND các cấp triển khai chương trình xét công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2015"; xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2015; tổ chức 100 lớp truyền nghề tại hai quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 18 huyện, thị xã; tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành cho gần 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn…; chủ động phối hợp với các quận, huyện triển khai các văn bản chỉ đạo của thành phố về phát triển và quản lý chợ; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác chuyên môn, cán bộ ban quản lý chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, DN kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. 

Công tác tổ chức đưa hàng bình ổn giá về các huyện, KCN, khu chế xuất được các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, đề xuất các địa điểm cho DN bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN được giao nhiệm vụ tổ chức phiên chợ Việt, bán hàng lưu động… góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bình ổn giá trên địa bàn.

Nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hàng hóa lưu thông thuận tiện, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa giả tạo, giá cả tăng đột biến, Sở đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và kiến nghị của DN trên địa bàn. Sở tiếp tục phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công địa phương, quốc gia năm 2016; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, giải tỏa tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố, không để tụ điểm chợ cóc, chợ tạm tái họp hay phát sinh các tụ điểm mới; phối hợp quản lý, cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gas, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh. 

Một trong những điểm nổi bật năm 2016 của Sở Công thương là tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình Tháng khuyến mãi Hà Nội năm 2016; tổ chức các phiên chợ Việt đến từng xã, thị trấn; chương trình bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội và mở rộng điểm bán hàng tại các chợ dân sinh. Chương trình đưa hàng về nông thôn, KCN và chế xuất trên địa bàn thành phố cũng được thực hiện, bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào trên địa bàn thành phố.

Bình luận của bạn