Tăng cường hoạt động hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tỉ trọng hàng Việt trên thị trường ngày càng chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, để hàng Việt đứng vững trên thị trường, các ban ngành, doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn để người dân tiếp tục tin dùng hàng Việt.

Tại hội nghị sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Báo Phú Yên đã ghi nhận một số ý kiến của đại diện các ban, ngành về những giải pháp tăng cường tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới.

ÔNG LƯƠNG MỘNG SANH, CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH: Doanh nghiệp cần ưu tiên lựa chọn nguyên liệu trong nước để sản xuất

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của tất cả ban, ngành chức năng và mọi tầng lớp nhân dân. Chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, giá cả ổn định. Hiện hàng Việt chiếm tỉ trọng gần 90% hàng hóa bày bán trên thị trường. Các chủng loại hàng Việt có thương hiệu, có chất lượng cao luôn được người tiêu dùng quan tâm. Nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng không thua kém hàng hóa của các nước khác và đang cạnh tranh mạnh mẽ với hàng ngoại nhập.

Tuy nhiên, về lâu dài, bản thân doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng để cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại đang ồ ạt tràn vào Việt Nam trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp trong nước cũng phải tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng việc ưu tiên lựa chọn vật tư, nhiên liệu trong nước để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và thuần túy Việt Nam.

BÀ NGUYỄN THỊ KIM BÍCH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG: Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiêu thụ sản phẩm

Từ đầu năm đến nay, ngành Công thương liên tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số sản phẩm của doanh nghiệp Phú Yên mặc dù bán rất tốt ở nơi khác nhưng lại chưa khai thác tốt thị trường trong tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Trước thực trạng đó, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương như xây dựng 2 điểm bán hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu cho doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh với 3 huyện miền núi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc sản, lưu niệm tại các cây xăng, cửa hàng lưu niệm… Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục hỗ trợ đưa hàng Việt có chất lượng vào bán tại những điểm kinh doanh cố định, tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn để giúp người dân nhận biết và tiêu dùng hàng Việt...

ÔNG NGUYỄN DUYÊN, CHÁNH VĂN PHÒNG SỞ NN-PTNT: Tạo nhiều chuỗi sản phẩm sạch cho người tiêu dùng

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hàng Việt luôn được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn cố tình làm ngơ trước vấn đề này. Do vậy, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất nhỏ lẻ phải ký cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cần tích cực thông tin qua đường dây nóng để các ngành chức năng kiểm tra, xử lý hiệu quả hơn.

Hiện nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản sạch của người dân rất lớn. Ở nhiều địa phương đã có điểm cung cấp hàng nông sản sạch, có địa chỉ truy ngược nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận tiêu chí sản phẩm sạch... Tuy nhiên, tại Phú Yên, mô hình kinh doanh này vẫn chưa phổ biến. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp dự kiến triển khai thí điểm chuỗi cung ứng gà sạch, sau đó sẽ mở rộng một số sản phẩm sạch khác để tạo thành những chuỗi cung ứng hàng nông sản sạch cho thị trường.

ÔNG TRẦN MINH MẠCH, CHỦ NHIỆM HỘI ĐỒNG TƯ VẤN KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI, ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH: Tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ vận động người tiêu dùng dùng hàng Việt mà còn phải vận động các nhà sản xuất đầu tư công nghệ, cải tiến sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên thì hàng ngoại không thể cạnh tranh với hàng Việt.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, thị trường nội địa xuất hiện nhiều sản phẩm hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt. Điều này chứng tỏ hàng Việt đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên tâm lý ngại mua hàng Việt, khiến hàng Việt giảm sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết hàng Việt; các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái để người tiêu dùng yên tâm tin dùng hàng Việt.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức 105 lượt doanh nghiệp tham gia bán hàng Việt tại 12 điểm trên địa bàn nông thôn, miền núi, thu hút 22.800 lượt người tham quan mua sắm với tổng giá trị hàng hóa 864 triệu đồng; tổ chức 7 hội chợ với 490 doanh nghiệp tham gia, với 1.193 gian hàng, 367.000 lượt người tham quan mua sắm và doanh thu bán hàng trên 33,86 tỉ đồng.

Bình luận của bạn