Thị trường nông thôn - Cứ điểm vững chắc của hàng Việt
Trong bối cảnh các kênh phân phối hiện đại ở khu vực thành thị đang dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo tỷ lệ hàng ngoại không ngừng gia tăng trên các quầy kệ thì khu vực nông thôn có ý nghĩa quan trọng cho hàng Việt phát triển.
Nhu cầu lớn, sức mua cao
Dịp Tết Bính Thân 2016 vừa qua, tôi có dịp về Quảng Ngãi và Đà Nẵng để ăn và chơi tết. Hơn một tuần ở 2 địa phương này, tôi đã đi khá nhiều chợ, cửa hàng để khám phá thị trường hàng hóa, xem người dân ở đây họ ăn gì, mua hàng nào. Tại khu vực chợ Đức Lân (huyện Mộ Đức) và chợ Đức Phổ (huyện Đức Phổ), hàng hóa bày bán rất nhiều, người mua kẻ bán tấp nập.
Theo quan sát của chúng tôi, ở mặt hàng quần áo, hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trong nước chiếm đến 90%, nhưng có rất nhiều thương hiệu na ná hàng của Công ty Việt Tiến, kiểu như Việt Tuân, Việt Tuấn… So về giá bán thì hàng nhái thương hiệu Việt Tiến có giá thấp hơn rất nhiều. Chẳng hạn, 1 áo sơ mi sọc, dài tay của Việt Tuân giá bán chỉ dừng ở mức 170.000 - 200.000 đồng/cái. 10% còn lại là hàng Trung Quốc, phổ biến ở 2 mặt hàng quần kaki và áo thun, giá bán áo thun lên tới 450.000 đồng/cái.
Chị Lệ, chủ một gian hàng quần áo tại chợ Đức Phổ, cho biết: “Ở chợ chỉ bán hàng trong nước vì mẫu mã khá đẹp mà giá bán lại phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Riêng với hàng Trung Quốc, tiểu thương chúng tôi chỉ lấy mối đưa sang tận nơi, giá tuy hơi cao nhưng là hàng chất lượng cao, mẫu mã thay đổi liên tục. Nếu bán không hết thì họ có thể thu hàng về nên rất thuận lợi cho kinh doanh. Hơn nữa đây cũng là sản phẩm chỉ bán cho những người có thu nhập tốt ở địa phương”.
Khi chúng tôi hỏi, ở chợ có bán hàng Thái, hàng Hàn Quốc… không, chị Lệ cho rằng, thói quen mua sắm của người dân là khá trung thành với những thương hiệu họ đã dùng, nên khi “đánh” hàng mới cần phải cân nhắc. Với lại, do Quảng Ngãi khá xa với các thành phố lớn nên không cần bán hàng cao cấp, đắt tiền.
Ở nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhanh (như xà bông, nước xả, dầu gội), hàng thực phẩm và thực phẩm công nghệ thì hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tuyệt đại đa số, thậm chí có nơi là 100%. Các thương hiệu nổi tiếng trong nước đang thắng thế và có chỗ đứng vững chắc như sữa Vinamilk và Nutifood, thực phẩm chế biến Vissan; nước mắm và nước tương Chinsu; bánh kẹo Quảng Ngãi, Bibica, Phạm Nguyên, Kinh Đô và nhiều thương hiệu cấp thấp… Tuyệt nhiên, không có một sản phẩm bánh kẹo Trung Quốc nào bày bán trên thị trường.
Một nhân viên bán hàng tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi cho biết, dịp tết, người dân Quảng Ngãi vào siêu thị chủ yếu để mua các loại giò chả của Vissan, hàng chuyển về bao nhiêu là bán hết ngay lập tức, nhưng với các sản phẩm cùng loại như chả bò (Đà Nẵng, Quảng Ngãi) lại rất kén khách mua. Có lẽ, do có nhiều người Quảng Ngãi vào làm ăn, sinh sống ở TPHCM nên họ rất hiểu biết về những mặt hàng trong nước có chất lượng tốt.
Trước đó, chúng tôi cũng có nhiều dịp theo chân các đoàn DN thực hiện các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Theo kế hoạch, nhiều DN đưa hàng đủ để bán cho đến hết phiên chợ (thường là từ 3 - 5 ngày), nhưng tại nhiều địa điểm, lượng hàng này chỉ đủ bán ngay trong ngày đầu tiên. Nhiều đơn hàng mua trong gian hàng của Co.opmart lên tới 700.000 - 1 triệu đồng/đơn hàng.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, một DN chuyên sản xuất quần áo trẻ em, cho hay chính nhờ việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, công ty đã từng bước tạo dựng được thương hiệu. Còn theo ghi nhận của chúng tôi, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn là rất lớn, trong khi đó khả năng đáp ứng của DN trong nước vẫn còn yếu, thậm chí chưa đánh giá đúng thực lực sức mua trong dân.
Cần được tiếp tục khai phá
Bằng những ghi nhận từ thực tế tại Quảng Ngãi, cũng như tại các phiên hàng Việt về nông thôn thì điều đáng mừng là ý thức mua sắm và tiêu dùng hàng nội là rất lớn. Đây chính là động lực giúp DN có thể tập trung phát triển cứ điểm hàng Việt tại các tỉnh, thành, thay vì chỉ chú trọng chen chân vào các hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn.
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, việc khai thác thị trường nông thôn không dễ dàng. Theo đánh giá của các DN khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, muốn chắc chân ở thị trường này, DN phải đầu tư về con người và thời gian. Bởi lẽ, đặc trưng của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đồng đều. Kinh nghiệm thực tế tại một số DN thành công ở khu vực nông thôn như Vinamilk, Nutifood, Vissan cho thấy, các DN này đều bố trí lực lượng “nằm vùng” tại các vùng miền để làm công tác marketing. Ban đầu, những sản phẩm của công ty được gửi tại các cửa hàng nhỏ lẻ với số lượng ít. Khi được người dân tin tưởng, lượng hàng gửi sẽ có số lượng lớn hơn. Với các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, Giấy Sài Gòn, chủ các thương hiệu này đã không giấu giếm là họ thành công từ việc bán hàng theo dạng “đánh du kích” từ khu vực các tỉnh, thành cũng như ngoại thành của các thành phố lớn, sau đó mới tập trung “đánh hàng” vào nội thành. Nói như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, thì thành công của công ty chính là nhờ các mẹ, các chị và cả những người buôn thúng, bán bưng ở các chợ từ nông thôn đến thành thị.
Một đề bài cũng được đặt ra cho các DN, hiện nay cả nước có 600 huyện, 6.000 xã. Các DN đã chiếm được bao nhiêu thị phần tại các huyện, xã? Đã có hệ thống phân phối chưa? Nếu có thì ai, bắt đầu từ đâu? Bằng kinh nghiệm có được từ nhiều năm làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, một chuyên gia hàng đầu về thị trường (đề nghị giấu tên) đã đúc kết: “Điều kiện mua hàng tại Việt Nam rất đơn giản, đó là sản phẩm của ai tới trước thì sẽ được bán và được xài. Điều này đồng nghĩa, để thành công, các DN buộc phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để người mua nhìn thấy được. Việc tối kỵ trong bán lẻ là DN không được để “đứt” hàng. Sở dĩ sản phẩm của một số DN Việt Nam đã từng chiếm lĩnh thị trường nhưng rồi lại bị rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là do không đảm bảo nguồn hàng thông suốt. Đây cũng chính là chất lượng độ bao phủ của DN trên thị trường”.
Trên thực tế, khuyết điểm lớn nhất trong phân phối bán lẻ tại Việt Nam hiện nay là họ chỉ mua cái gì mà họ bán được. Để thuyết phục họ bán những sản phẩm mới là vô cùng khó khăn. Do vậy, để phát triển cùng một lúc nhiều nhãn hàng, buộc các DN phải đưa ra những chính sách phù hợp và kiên trì. Đối với các DN, cần tranh thủ sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhanh chóng có giải pháp chiếm lĩnh thị trường nông thôn đầy tiềm năng. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, khi tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn, DN được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã đến được nông thôn nhưng không thể giữ được thị phần.