Thu hẹp khoảng cách cung - cầu hàng hóa Việt

Các sản phẩm tại Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa TP. Hà Nội thu hút đông đảo người tiêu dùng

Tại chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa TP.Hà Nội được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 20/10, ông Nguyễn Quang Thoại – Chủ tịch Hội làng nghề Mộc Thượng Mạo (phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, người xưa có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” để nói về chất lượng của các sản phẩm đồ gỗ làng Xốm –thôn Thượng Mạo. Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm cốm Vòng đã nổi tiếng cả nước thì các sản phẩm đồ gỗ làng Xốm, dù rất tốt lại chưa được người tiêu dùng (NTD) cả nước biết đến. Do đó, thời gian qua, Hội làng nghề Mộc Thượng Mạo thường xuyên tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, trong đó có các hội nghị, chương trình kết nối cung –cầu do Bộ Công Thương tổ chức. Chương trình đã trở thành “cầu nối” cho sản phẩm của làng nghề đến với NTD, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. “Đặc trưng của đồ gỗ làng Xốm là không có hàng chợ, chỉ làm theo đơn đặt hàng nên không có hàng sẵn. Tuy nhiên, hưởng ứng sự vận động của Bộ Công Thương, đồng thời muốn quảng bá sản phẩm đến với NTD nhiều hơn nên các hộ sản xuất của Hội làng nghề Mộc Thương Mạo đã thỏa thuận với khách hàng để mang đến chương trình các sản phẩm khách đã đặt nhưng chưa nhận, sau hội chợ mới mang về trả khách” - ông Thoại cho hay.

Đã có nhiều năm gắn bó với các chương trình kết nối cung - cầu của Bộ Công Thương, đặc biệt là Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ông Lê Tiến Công - Giám sát bán hàng Kênh Horeca (Công ty Acecook Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội) - cho hay, điểm nổi bật nhất của chương trình là tính quảng bá rất cao. “Trước đây, Công ty Acecook Việt Nam đã có rất nhiều cửa hàng phân phối sản phẩm ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhưng NTD chưa thực sự ưa thích sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, với các hoạt động quảng bá rầm rộ, cho NTD sử dụng thử sản phẩm… đến nay, Acecook Việt Nam tự hào đã “phủ sóng” đến tất cả các khu vực, dù là khó khăn nhất” - ông Lê Tiến Công cho hay.

Tuy nhiên, theo các DN, cần hỗ trợ để nhân rộng hiệu quả các hoạt động kết nối cung - cầu hàng Việt. Theo ông Nguyễn Quang Thoại, đến nay, sản phẩm của làng nghề mộc Thượng Mạo đã được NTD biết đến, đồng nghĩa với việc phải đối diện với nạn hàng giả, hàng nhái. Các hội viên của Hội làng nghề Mộc Thượng Mạo mong muốn Bộ Công Thương và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn để các hộ sản xuất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Phạm Hồng Duy - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại KD Việt Nam - cho biết, là DN thuần Việt sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, công ty mong muốn sản phẩm được NTD biết đến nhiều hơn thông qua các hỗ trợ của các bộ, ngành về quảng bá sản phẩm.

Thực tế, các sản phẩm của KD Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, nhưng khó khăn là do mới thành lập nên sản phẩm chưa được NTD biết đến. “Mong muốn của DN là thông qua các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, sản phẩm sẽ được quảng bá nhiều hơn để NTD hiểu rằng hàng Việt Nam có chất lượng tốt; sử dụng hàng Việt chính là góp phần cho nền sản xuất trong nước phát triển” - ông Duy kỳ vọng.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 30 hội nghị kết nối cung - cầu quy mô cấp vùng, miền, thu hút đông đảo đại biểu với hàng nghìn biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất và DN phân phối được ký kết.
Bình luận của bạn