Thương mại phía Nam kết nối cung cầu, hợp tác phát triển

Lãnh đạo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Công thương các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ ký kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 22/3, tại hội nghị Tổng kết 5 năm Chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2015; triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, qua 5 năm triển khai Chương trình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực phía Nam phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Liên kết sản xuất vùng

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, cả nước hiện có khoảng 24 tỉnh, thành phố được đánh giá xây dựng hạ tầng thương mại khá tốt; trong đó, các địa phương phía Nam chiếm hơn 2/3 tổng số này. Điều này cho thấy Chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như hội nghị, triển lãm, hội chợ..., Chương trình hợp tác thương mại đã trở thành cầu nối tạo nguồn cung hàng hoá, bao tiêu sản phẩm, khai thông mạng lưới phân phối, xây dựng hạ tầng thương mại, đưa hàng Việt Nam chất lượng đến với người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở những vùng sâu, vùng xa. 

Tính đến nay, Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ đã thực hiện 75 dự án đầu tư, sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp, tận dụng thế mạnh địa phương như nuôi trồng, chế biến thực phẩm; xây dựng nhà máy, trang trại; phát triển trung tâm thương mại, siêu thị... 

Mặt khác, các đơn vị tham gia Chương trình hợp tác thương mại đã cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch hơn 2.500 tỷ đồng. 

Ông Dương Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, từ những giải pháp thiết thực của Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nói riêng, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được chuỗi VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) với 45 trang trại chăn nuôi; hơn 500 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh. 

Đặc biệt, tỉnh này cũng hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm tại 3 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Long Khánh với hơn 1.400 nông hộ tham gia. 

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Phạm Tôn chia sẻ, tham gia Chương trình từ những ngày đầu cho đến nay, đơn vị này đã phát triển liên kết chăn nuôi theo mô hình ba bên gồm trang trại-nhà cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi-doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tại tỉnh Đồng Nai với tổng đàn gà hơn 1 triệu con gà thịt.

Song song đó, Công ty Phạm Tôn còn đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia-thủy cầm và chế biến thực phẩm tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Ngoài doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, các doanh nghiệp thuộc Chương trình bình ổn thị trường của thành phố cũng tích cực tham gia Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại có hơn 20 doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất, 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng, 53 siêu thị, trung tâm thương mại... tại các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ. 

Mặt khác, ba chợ đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, tiêu thụ bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương.
 

Sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap được bày bán tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. (Nguồn: TTXVN)

Kết nối cung cầu

Với hoạt động kết nối cung cầu, đạt kết quả gần 1.350 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, giao thương hai chiều doanh thu đạt hơn 22.132 tỷ đồng cho thấy, Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ ngày càng đi vào chiều sâu và được phát triển theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), trong 5 năm tham gia Chương trình, Saigon Co.op đã đầu tư 4 trung tâm phân phối, kho lưu trữ tại tỉnh Bình Dương, Hậu Giang... với tổng diện tích hơn 60.000 m2. 

Từ đó, Saigon Co.op đảm bảo hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong cả nước, mở rộng mạng lưới phân phối với các mô hình kinh doanh hiện đại như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... 

Ông Phan Kim Sa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các tỉnh, thành phố phía Nam đã không ngừng nỗ lực gắn kết, hợp tác, khai thác tiềm năng, thế mạnh lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hai địa phương phát triển lớn mạnh. Đồng thời, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương xây dựng thương hiệu, từng bước tiếp cận đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài nước. 

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chương trình hợp tác thương mại trên là một trong các nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện đối với lĩnh vực thương mại giữa các địa phương. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để chính quyền các bên làm cầu nối cho doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp... 

Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, Chương trình hợp tác thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp bình ổn thị trường; kiểm soát hàng hóa; hỗ trợ tháo gõ khó khăn cho doanh nghiệp... 

Mặt khác, trong nội dung ký kết Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ, giai đoạn 2016-2020, các địa phương còn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ sẽ chú trọng phát triển các điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao, định vị sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường nhận thức người tiêu dùng trong ưu tiên sử dụng hàng Việt. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, cạnh tranh được hàng hóa ngoại nhập và xuất khẩu./. 

Bình luận của bạn