TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kết nối cung cầu

Nhằm tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, tạo cơ hội kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng, ngày 22/11, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Chương trình “Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2018”.

Lần đầu đưa chương trình về địa phương

Từ năm 2012 đến nay, Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hợp tác kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và đều được tổ chức tại thành phố.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương. Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền cùng với cơ chế chính sách đầu tư gắn với Chương trình bình ổn thị trường, các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại... xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và cả khu vực.

“Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa đã trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP. Hồ Chí Minh với nhiều nhà cung cấp có uy tín và nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các hợp tác xã....” - lãnh đạo thành phố đánh giá.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, năm nay là năm đầu tiên hội nghị được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre. “Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương về phát triển thị trường trong nước, hội nghị lần này là điều kiện thuận lợi để tỉnh Bến Tre giới thiệu đầy đủ hơn về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của mình đến các tỉnh, thành trên cả nước; ngược lại đây cũng là cơ hội để sản phẩm các tỉnh, thành xâm nhập thị trường đầy tiêm năng của tỉnh Bến Tre” - bà Huỳnh Phương Trang - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đánh giá.

Hội nghị năm nay thu hút được 699 nhà cung ứng đến từ 35 địa phương trên cả nước và 40 nhà phân phối lớn, 150 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, hơn 100 bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn, 568 thương nhân chợ đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Góp phần lan tỏa hàng Việt

Qua 6 năm triển khai, quy mô, hiệu quả của hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ngày càng được mở rộng. Năm 2012, khi tổ chức lần đầu tiên, hội nghị chỉ thu hút 43 hợp đồng nguyên tắc được ký kết thì đến năm 2017, con số này đã lên tới 522. Tính lũy kế đến nay, hội nghị đã có 2.283 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết.

Hơn thế nữa, theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chương trình đã chọn lọc được hơn 90 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp này đã đầu tư 42 nhà máy, cơ sở sản xuất; 72 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư hơn 30.112 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh việc kết nối hàng nông sản, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền truyền thống, hội nghị năm nay còn mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành và các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên giới thiệu các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố đến các tỉnh, thành. Các sản phẩm đều thể hiện tiềm năng, thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh, bao gồm nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến, nhóm sản phẩm đồ uống, nhóm sản phẩm thiết bị điện, nhóm sản phẩm từ nhựa, cao su, nhóm sản phẩm trang phục may sẵn.

Đánh giá cao hiệu quả chương trình kết nối cung - cầu của thành phố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc tổ chức kết nối cung - cầu, đồng thời triển khai nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… của TP. Hồ Chí Minh vừa qua là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hàng hóa tham gia chương trình kết nối 100% là hàng Việt Nam. Đây thực sự là kênh xúc tiến, mở rộng tiêu thụ cho hàng Việt cả trong nước và kết nối vào các kênh xuất khẩu ra nước ngoài.

"Từ phía Bộ Công Thương, chúng tôi luôn ủng hộ, đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu quy mô vùng miền và toàn quốc nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường các dịp lễ, tết” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bình luận của bạn