Xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch

Để thoát khỏi vấn nạn nhức nhối từ thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất chân chính phải liên kết lại với nhau để chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch.

Theo báo cáo từ Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế trong năm 2015 tổng số cơ sở được kiểm tra an toàn thực phẩm là 500 ngàn cơ sở, xử lý vi phạm trên 30 tỷ đồng. Trong 5 tháng/2016 gần 200 ngàn cơ sở được kiểm tra, các đơn vị vi phạm bị xử phạt 19 tỷ đồng. Trong 4 tháng/2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 1.368 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Thực phẩm bẩn đang trở thành vấn nạn gây bức xúc trong xã hội.

Bà Lê Thị Hồng Minh- Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (FTA) cho biết thực phẩm bẩn đang trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người. Vì thế, để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất chân chính cần liên kết lại với nhau và cần phải biết cách tự bảo vệ, cùng đứng về một phía để phát triển thị trường thực phẩm sạch. FTA thành lập nhằm liên kết các mô hình sản xuất thực phẩm sạch lại với nhau, công khai, minh bạch thông tin để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm, tạo đầu ra cho người sản xuất, từ đó người sản xuất có thể tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất.

Theo Ông Nguyễn Phước Trung- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh để có được thực phẩm an toàn, vấn đề quan trọng nhất là phải xuất phát từ khâu sản xuất, chế biến. Hiện TP.HCM đã và đang tập huấn cho người sản xuất các quy trình để tạo ra thực phẩm an toàn đồng thời cung cấp các quy định có liên quan về các chất cấm, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, người sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn một cách tự giác, trung thực và cung cấp thông tin một cách minh bạch, rõ ràng về sản phẩm do mình làm ra để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm bẩn và thông tin rộng rãi cho người dân biết để từ chối sử dụng; Tăng cường năng lực để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm bẩn qua các cửa ngõ, các chợ đầu mối. Ngoài ra, TP Hồ Chí Mính tiếp tục triển khai thực hiện “Chuỗi thực phẩm an toàn”, thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu giữa các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn với hệ thống phân phối nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, minh bạch cho thị trường. 

Bình luận của bạn