Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt: Vấn đề cấp thiết
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để hàng hóa Việt có vị trí vững chắc tại thị trường "nội", việc xây dựng, phát triển thương hiệu đang là vấn đề cấp thiết.
Giá trị thương hiệu Việt giảm 19%
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho biết, sau hơn 6 năm triển khai, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, từng bước thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD)… Đến nay, hơn 90% hàng hóa bày bán ở các siêu thị là hàng Việt Nam, như hệ thống siêu thị Saigon Co.opmart khoảng 95%, hệ thống siêu thị Big C gần 90%... Tại khu vực nông thôn, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ khá, trong đó sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm 90% là hàng Việt.
Dù đạt được những chuyển biến tích cực, nhưng hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu mạnh, được NTD trong nước và quốc tế biết đến. Kết quả khảo sát hơn 600 DN và khách hàng nước ngoài của Bộ Công thương cho thấy, ấn tượng của người nước ngoài về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Tỷ lệ DN đầu tư có phương pháp, kỹ năng để xây dựng thương hiệu mới đạt 20%. Nhiều DN Việt chưa xây dựng được thương hiệu truyền tải thông điệp ấn tượng tới khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng tại thị trường trong, ngoài nước. Các DN cũng chưa nâng cao nhận thức về thương hiệu trong việc quảng bá, bảo vệ, đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước, mà cả ở nước ngoài. Bên cạnh đó, khác với các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, DN Việt Nam thường hoạt động riêng lẻ, thiếu cơ chế liên kết cũng như cập nhật thông tin tại địa bàn sẽ đầu tư, do đó gặp nhiều khó khăn trong quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Tại diễn đàn "Thương hiệu quốc gia" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Samir Dixit, Giám đốc vùng Châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Brand Finance cho biết, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2015 được Brand Finance định giá là 140 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2014 được định giá là 172 tỷ USD, thì năm 2015, giá trị thương hiệu Việt Nam đã giảm 19%. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong ASEAN thì vị trí thương hiệu Việt Nam đang thua nhiều nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Ông Samir Dixit cũng thẳng thắn, đáng buồn hơn là Việt Nam còn đang rất yếu về chất lượng, vòng đời sản phẩm, về việc đáp ứng sự thỏa mãn cho khách hàng, xuất nhập khẩu, trách nhiệm xã hội của DN... Nhiều nước trong khu vực khắc phục được điểm này là do họ biết năng lực nội tại còn hạn chế đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao giá trị và thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn sức ì lớn khiến việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia chưa được như mong muốn...
Cần giải pháp cụ thể
Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Đỗ Thắng Hải nhận định, phát triển thương hiệu đang là chủ đề "nóng" và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, với hơn 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thậm chí nhiều DN siêu nhỏ thì việc xây dựng thương hiệu cho DN phải có giải pháp, chiến lược cụ thể. Nhiều DN rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng "lực bất tòng tâm" do tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội bày tỏ mong muốn, các cơ quan quản lý cần đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hiệu quả bảo vệ hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu; đồng thời, tạo cơ hội cho DN tiếp cận mặt bằng trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ - là "cầu nối" giữa nhà sản xuất với NTD.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, để hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký thương hiệu; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Về phía DN, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với thị hiếu từng phân khúc thị trường, nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm.