Hàng Việt phải cạnh tranh bằng tiêu chuẩn quốc tế
“Cần thoát khỏi khái niệm hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế thì mới dễ dàng cạnh tranh trong thời buổi hội nhập được. Nghĩa là, ngoài đặc tính, mẫu mã, bao bì,… đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải áp dụng theo chuẩn quốc tế” - bà Nguyễn Phi Vân, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia, đề ra yêu cầu cho sản phẩm trong nước.
Mở rộng thị trường bằng chuẩn quốc tế
Bà Vân cho hay, công nghệ giúp doanh nghiệp (DN) nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng thế giới hơn. Bởi có đến 3,6 tỷ người trên thế giới đã kết nối với mạng internet. Trong đó, 53% người tiêu dùng online cảm thấy lạc lõng khi cắt kết nối, 31% người tiêu dùng chỉ muốn liên lạc online. Sự chuyển động thị trường đang mở ra nhiều cơ hội để DN nhập cuộc. Không đưa hàng hóa vào được các thị trường trên thì khó sống. DN không thể bỏ qua những thị trường tiêu dùng lớn nhất như châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi. Trước đây Việt Nam là thị trường năng động nhất thế giới nhưng giờ ngôi vị này đang được thay bằng những cái tên Bangladesh, Lào,…
“Cần thoát khỏi khái niệm hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế thì mới dễ dàng cạnh tranh trong thời buổi hội nhập được. Nghĩa là, ngoài đặc tính, mẫu mã, bao bì,… đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải áp dụng theo chuẩn quốc tế” - bà Vân nhận định.
Bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia Chuỗi an toàn thực phẩm chia sẻ: “Trái xoài của Việt Nam được xuất sang Mỹ là tin vui của ngành nông nghiệp nói chung. Để có thể “đặt chân” ở thị trường khó tính trên, cần một quá trình rất dài, khoảng 10 năm theo đuổi thực hiện. Đây là sự ghi nhận làm theo tiêu chuẩn và làm đúng”.
Bàn về tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa trong nước, bà Thanh khẳng định, đánh giá trên thực tế cho thấy, nông dân cùng DN đang đi được khoảng 30% chặng đường. Khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhận thức được sản phẩm theo chuẩn quốc tế sẽ nâng tầm giá trị nhưng việc thực hiện không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Công Luận - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm Antesco, nói về LocalG.A.P (tiêu chuẩn quốc tế) người nông dân cảm thấy xa lạ mà chỉ quen với VietGap - tiêu chuẩn chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam. Nông dân đã và đang nỗ lực rất nhiều, song LocalG.A.P mới là thứ cần hướng tới. Ông Luận dẫn chứng: “Chúng tôi từng tìm đất để trồng đậu nành và bắp non theo chuẩn quốc tế. Thế nhưng, gần đến ngày có đoàn đến đánh giá chuẩn thì đầu nguồn bỗng dưng xuất hiện chuồng bò. Ngay lập tức tôi phải tiến hành đàm phán tháo dỡ chuồng bò. Nếu không làm được thì nguy cơ công cốc”.
Doanh nghiệp không thể tự “bơi”
Theo thống kê, những năm gần đây có 84% tổ chức thương mại áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu. 80% lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của các tiêu chuẩn. Đánh giá cao tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, rất nhiều sản phẩm trong nước chưa đạt yêu cầu về chất lượng đối với người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính.
DN Việt cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để đi nhanh hơn, xa hơn, dễ dàng hội nhập hơn. Hàng hóa có tiêu chuẩn tốt giúp phát triển thị trường, gia tăng lợi nhuận. DN nên cố gắng khắc phục khó khăn hướng đến áp dụng thành công các chuẩn quốc tế cho sản phẩm.
Liên quan đến quá trình áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất, đa phần DN và nông dân kêu khó do luôn trong tình trạng tự túc, trừ trường hợp có sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế. Than phiền về khó khăn này, cộng đồng DN mong muốn Nhà nước cùng tham gia vào, còn không DN vẫn cứ phải tự “bơi”. Điều cần nhất hiện nay là sự hợp tác của nhà nông, DN và Nhà nước.
Xoay quanh vấn đề hỗ trợ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thông tin, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn đã được xây dựng và áp dụng trên toàn thế giới. Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đã tham gia tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.
“Tiêu chuẩn quốc tế từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường tiêu dùng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, DN, Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ đồng hành cũng DN áp dụng tốt chuẩn quốc tế, tuy nhiên Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, phần quyết định vẫn thuộc về DN. Sắp tới sẽ xem xét xem DN cần gì vì có nhiều tiêu chuẩn nên rất khó thực hiện chứ không đơn giản” – ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý.
Song song với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý các bộ ngành còn yêu cầu DN tăng cường đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.