Ông trùm chuối Việt: ‘Tôi khởi nghiệp tới 25 lần!’
Tự nhận mình là một nông dân tâm huyết với nông nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người được mệnh danh là “ông trùm chuối” Việt Nam (VN) đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về hành trình khởi nghiệp 40 năm đầy gian nan trước khi đưa những trái chuối xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản (NB), Hàn Quốc (HQ).
Người Nhật góp phần tạo khác biệt cho chuối VN
. Phóng viên: Đang bận rộn với những đơn hàng chuối xuất khẩu nhưng mới đây lại thấy ông đi bán thịt bò, rồi lập hội quán Huy Long An nuôi bò theo công nghệ NB. Không rõ kế hoạch năm nay của ông ra sao?
+ Ông Võ Quan Huy: Tôi đang tìm đầu ra cho đàn bò trong trang trại và cũng là để tìm đầu ra bền vững cho cây chuối. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm thịt bò đang rất khó khăn, dù biết có thể thất bại nhưng muốn chuối xuất khẩu tiếp tục phát triển thì phải… giữ đàn bò.
Hội quán thành lập để tăng giá trị của sản phẩm thịt bò, để người tiêu dùng tiếp cận, nhận biết được miếng thịt bò đạt chuẩn, ngon là ra sao. Tuy nhiên, hội quán hiện cũng chưa hoạt động hiệu quả, miếng thịt cung cấp đạt chuẩn nhưng các đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn lại chưa chế biến ưng ý để làm thực khách hài lòng. Sắp tới, tôi cùng các đơn vị đối tác sẽ bàn bạc lại để phát triển thị trường cho sản phẩm này.
. Vì sao việc giữ đàn bò lại quan trọng với trái chuối xuất khẩu đến vậy, thưa ông?
+ Hiện trang trại của chúng tôi cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 5.000-10.000 con bò, lợi nhuận không nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải duy trì một năm xuất bán khoảng 5.000 con bò thì mới đủ phân để trồng trọt. Bởi sản phẩm chuối của chúng tôi xuất khẩu sang Nhật, HQ cạnh tranh được là nhờ chứng nhận… sử dụng phân bò.
Do đó, nếu trang trại chuối thiếu con bò sẽ mất đi hình ảnh sản xuất hữu cơ, quy trình trồng chuối mất đi một mắt xích quan trọng kiểu như hệ thống vườn, ao, chuồng. Và khách hàng NB không thích điều này.
Chính khách hàng Nhật đã khai thác, phát hiện đưa hình ảnh con bò gắn liền với cây chuối tới người tiêu dùng. Họ tiếp thị tới người tiêu dùng tại Nhật bằng cách vẽ ra bức tranh vòng lặp lại: Con bò thải ra đống phân, phân bón cho cây chuối, nải chuối chín vàng gắn thương hiệu Fohla của công ty tôi vào bán ra thị trường; còn cây chuối lại làm thức ăn cho con bò.
Cũng chính khách hàng Nhật tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm chuối VN. Thực tế có nhiều trang trại trồng chuối xuất khẩu nhưng dường như chưa có chỗ nào có vòng lặp con bò - cây chuối.
Chấp nhận mạo hiểm
. Có người bảo ông rất mạo hiểm khi đầu tư trồng chuối xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh sản phẩm này rất bấp bênh, có lúc chín rục không ai mua, phải đổ cho bò ăn?
+ Có lẽ cũng là cái duyên thôi! Trước khi trồng chuối, tôi nuôi tôm bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tiếp xúc nhiều với các khách hàng NB, hiểu rõ cách làm ăn đàng hoàng của đối tượng khách hàng này.
Hơn nữa tôi tìm hiểu thấy NB có nhu cầu nhập khẩu chuối rất lớn, mỗi năm nước này nhập tới hơn 1,2 triệu tấn chuối nên đề cập chuyện cung cấp loại trái cây này cho các khách hàng NB. Qua nhiều lần khởi nghiệp nông nghiệp gặp không ít sóng gió nhưng tôi vẫn quyết định mạo hiểm trồng chuối xuất khẩu cho các thị trường khó tính.
. Như vậy rõ ràng để trái chuối vào được thị trường Nhật không đơn giản?
+ Để xuất khẩu sang các nước này, với khoảng 8.000 tấn chuối cung cấp ra thị trường mỗi năm của chúng tôi buộc phải đạt hàng trăm tiêu chí từ đất, nước, phân bón, quy trình trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chất lượng… NB có hơn 200 tiêu chí, HQ hơn 170 tiêu chí, tính ra cây chuối phải đạt tới 300 tiêu chí sau khi trừ những tiêu chí giống nhau.
May mắn là chúng tôi đã nỗ lực đáp ứng được những tiêu chí khắt khe này. Bởi thế đến nay thị trường NB ổn định, chiếm 40% sản lượng chuối xuất khẩu của doanh nghiệp (DN), xếp sau là HQ, Trung Quốc.
Khách hàng NB rất uy tín, họ đưa cho DN kế hoạch mua hàng một năm, lượng hàng mua từng tháng một. Ngược lại, phía DN đã cam kết thì phải thực hiện nếu không vi phạm hợp đồng, phía đối tác NB sẽ phạt thẳng tay.
Ví dụ, phía DN cam kết tháng này cung cấp năm container hàng nhưng chỉ được bốn container thì sẽ bị phạt tính theo giá trị một container hàng mà DN thiếu.
Chuối Việt vẫn thua chuối Philippines
Theo ông Võ Quan Huy, chất lượng chuối VN không thua kém gì các nước khác. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của chuối VN là giá thành sản xuất cao do nhân công cao trong khi năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao, dẫn đến chi phí phát sinh.
Ví dụ, một nải chuối thu hoạch tại Philippines chỉ có một trái bị thẹo, thâm phải bỏ đi. Còn tại VN, bị lỗi tới 2-2,5 trái.
Quá tải vì vốn tính nông dân
. Với cái chất nông dân như ông tự nhận là “ăn sâu vào con người của mình”, ông có cảm thấy gặp khó khăn trong vai trò doanh nhân?
+ Đúng là tôi bị quá tải. Bởi đôi lúc mình vẫn quen làm theo kiểu nông dân, không hệ thống được, quản lý chuyên nghiệp được khi DN phát triển với quy mô lớn. Để bù đắp vào khiếm khuyết này, hiện chúng tôi đang đào tạo một lớp kỹ sư trẻ, tuy nhiên vẫn rất khó khăn. Lý do là họ thiếu kinh nghiệm thực tế nhiều quá, lại nữa làm nông nghiệp rất cực, nếu thiếu ý chí sẽ khó.
Ví dụ, nhìn cái cây bị bệnh có thể thiếu nước, thiếu phân nhưng mình cần trị ngay, phải bứt rứt khi thấy cây mình trồng đang bị bệnh. Chứ mình bỏ bê, không quan tâm, đợi cây lụi thì cứu sao được, khi đó chết cả vườn.
. Chắc ông gặp không ít lần thất bại trong làm nông nghiệp?
+ Cách đây khoảng 40 năm, tôi khởi nghiệp với cây mía, trồng gia công cho các nhà máy mía đường. Vốn trong tay là một chiếc máy cày và vài công đất, còn tiền giống, phân… nhà máy chịu nhưng chỉ lấy công làm lời, không được nhiều. Sau khi trồng mía thất bại, tôi tiếp tục chuyển sang trồng các loại cây khác như ớt, dưa hấu, rồi cây kiểng, tôm…
Tính ra tôi khởi nghiệp tới khoảng 25 lần thay đổi cây, con để tồn tại và phát triển.
Gần đây, trước cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tôi tự đánh giá lại xem mình mạnh gì, yếu gì để phát triển thị trường. Hiện tại, tôi chọn chủ lực cây chuối, thứ hai là con tôm.
. Xin cám ơn ông
Con theo cha trồng chuối xuất khẩu
. Hai người con trai của ông đều là những kỹ sư nông nghiệp, ông có muốn chia sẻ gì về điều này?
+ Hồi tụi nó còn nhỏ, đang lớp 10, 11, cứ Chủ nhật là tôi đưa hai đứa con trai lên xe chở vào rẫy. Có thể những lúc chơi trên đồng, cùng cha mẹ làm nông nên gieo trong các con sự thích thú, đam mê với lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, ban đầu tôi cũng có suy nghĩ sẽ định hướng các con vào lĩnh vực này nhưng để định hướng tốt thì mình phải làm sao để các con thích, đam mê, có ý chí theo đuổi thực hiện nó mới quan trọng.
Giờ các con là những cánh tay đắc lực hỗ trợ không thể thiếu giúp tôi quản lý công ty. Nhìn con mình đam mê, gắn bó với nông nghiệp, với cây chuối, con tôm… là tôi thấy mừng.
Nhiều người bảo làm nông nghiệp ở VN rất vất vả, bấp bênh bởi điều kiện phát triển nông nghiệp ở nước ta còn thua kém các nước?
+ Tôi thấy định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản phẩm sạch của Chính phủ rất tốt nhưng để vận hành trong thực tế thì còn hạn chế. Các chỉ đạo của Chính phủ chậm được cụ thể hóa.
Ví dụ, câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật, 10 nước họ cho xài 10 loại khác nhau, có thể loại thuốc này Nhật chịu nhưng Mỹ, EU lại không chịu. Nếu phía cơ quan quản lý VN bằng quan hệ ngoại giao làm việc với các thị trường xuất khẩu thống nhất công nhận loại thuốc được sử dụng thì rất tốt. Nhưng hiện tại vẫn chưa làm được, khả năng DN thì không thể.
Tôi cũng cho rằng cần chọn ra những DN đầu tàu có năng lực về tài chính, về chuyên môn kỹ thuật… để họ dẫn dắt từng mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN. Từ đó, nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư đối với những DN này để họ làm đòn bẩy thúc đẩy nền nông nghiệp nước ta tiến lên.