Agribank tiên phong cấp tín dụng “tam nông”
Thương hiệu mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2015, nguồn lực cho nông nghiệp được huy động khá hơn với tổng vốn nhà nước đầu tư tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước, đạt hơn 610.000 tỉ đồng. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã có những bước tiến đáng kể.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng thương mại đổ xô cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, khai phá và trụ vững được ở thị trường này là không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi công nghệ, mạng lưới, nhân lực mà cần cả kinh nghiệm.
Không như nhiều ngân hàng khác, tập trung phần lớn tín dụng nông nghiệp cho doanh nghiệp và dự án lớn, Agribank phát triển mạng lưới đến tận thôn, bản ở các vùng hẻo lánh nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của nông dân và duy trì vị thế là người tiên phong cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, tăng trưởng huy động và cho vay của Agribank đều tốt.
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 980.000 tỉ đồng, tổng nguồn vốn trên 911.000 tỉ đồng, tăng tối thiểu 13,3% so với cuối năm 2015, đạt mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 735.000 tỉ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đạt kế hoạch; trong đó tỉ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Góp sức cho nền nông nghiệp an toàn
Năm 2016, Agribank đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với hộ nông dân và các ngành nghề cần thúc đẩy phát triển. Qua đó, Agribank nhận thức rõ được những thách thức đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và NHNN có chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank lập tức vào cuộc bằng hàng loạt hành động cụ thể. Trong đó, quyết định dành tối thiểu 50.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi.
Trong bối cảnh cạnh tranh nhưng Agribank đã có diện mạo thân thiện và ngày càng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập, kiên định với mục tiêu đầu tư cho “tam nông”. Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), trồng hoa (Lâm Đồng), chăn nuôi lợn (Hà Nam), trồng mía (Khánh Hòa), trồng ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, để triển khai thành công mô hình này trong tương lai, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể với các chương trình này.
Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Agribank là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “tam nông” thông qua việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Đồng thời, Agribank cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khu vực nông thôn, như cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp…
Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.