Bám rễ bên ngoài lũy tre làng
Trước cả những cuộc đổ bộ của người Thái Lan, người Malaysia... vào thị trường Việt Nam, từ lâu, một số doanh nghiệp trong nước đã lặng lẽ “đem quân đi đánh xứ người”, đưa hàng Việt cắm rễ ở nước ngoài.
Những dấu ấn thương hiệu
Từ năm 2007, sau những thành công tại thị trường trong nước, thương hiệu văn phòng phẩm Thiên Long đã tìm đường xuất khẩu hàng ra thị trường Đông Nam Á, bắt đầu là hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thiên Long, chia sẻ có rất nhiều lý do để Thiên Long bắt đầu việc này.
Trước hết, năng lực sản xuất lớn của công ty cần một thị trường tiêu thụ lớn hơn cho 5-10 năm sau. Xuất khẩu cũng là cách tạo nguồn thu ngoại tệ ổn định, giúp cân bằng các khoản chi khi thực hiện nhập khẩu nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, “tự ái dân tộc” có thể xem là một lý do. Môi trường kinh doanh hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực của đội ngũ, tạo vị thế và nâng tầm của doanh nghiệp cũng như của đất nước.
Đến nay, sau tám năm, các sản phẩm của Thiên Long như dụng cụ mỹ thuật (Colokit) và dụng cụ văn phòng (FlexOffice) đã được phân phối tại 8 quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar... (*)
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến đi Indonesia tham dự hội chợ về thực phẩm và khảo sát thị trường.
Theo ông Thọ, đó là kết quả của nỗ lực trong nhiều năm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, kiên trì đeo bám và phát triển thị trường nước ngoài. Nhưng nếu so với kỳ vọng ở tương lai, ông Thọ đánh giá bấy nhiêu “vẫn còn khiêm tốn”. Ông Thọ cho biết Thiên Long sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm đa dạng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng không chỉ ở Đông Nam Á mà ở thị trường rộng hơn là châu Á, và cả châu Âu, bởi mục tiêu của sản phẩm Thiên Long là thị trường toàn cầu.
Bắt đầu xuất khẩu sớm hơn cả văn phòng phẩm Thiên Long là các sản phẩm thực phẩm chế biến sau gạo của thương hiệu Bích Chi. Năm 2003, Bích Chi đã có lô hàng xuất khẩu đầu tiên cho bạn hàng ở Singapore. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, cho biết sở dĩ công ty phải tìm đường xuất khẩu sớm như vậy là vì các sản phẩm khô chế biến từ bột phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm tươi từ các cơ sở sản xuất truyền thống và làng nghề. “Người tiêu dùng trong nước vốn thích bánh phở, bún tươi hơn là hàng khô. Nhưng công ty có công nghệ, có nhà máy sản xuất quy mô lớn nên có điều kiện làm hàng xuất khẩu”, ông Bình giải thích.
Đến nay, các sản phẩm bánh phồng tôm, bánh tráng, hủ tiếu, bánh phở... của Bích Chi đã có mặt tại 7 nước Đông Nam Á là Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào và Campuchia. Riêng đối tác nhập khẩu ở Thái Lan mua hàng là để xuất sang Nhật Bản. Mỗi năm, hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN mang về cho Bích Chi gần 300 tỉ đồng. Đặc biệt, trong vòng một năm qua, một số thị trường khu vực này tăng trưởng khá nhanh. Năm 2014, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng gấp ba lần so với năm trước. Ông Bình bày tỏ niềm vui vì công ty đã nắm được thị hiếu, “gu” ẩm thực của người tiêu dùng các nước này. Sản phẩm Bích Chi đủ sức cạnh tranh nhờ chất lượng đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá tốt so với hàng của Thái Lan.
Với Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, con đường thâm nhập vào thị trường ASEAN đến rất tự nhiên, theo quy luật cung cầu của thị trường. Trước năm 1975, các sản phẩm máy cơ khí của công ty sản xuất nhằm mục đích phục vụ thị trường trong nước cũng đã theo chân các thương nhân kinh doanh lúa gạo Thái Lan, Campuchia... về nước bạn. Ông Nguyễn Thể Hà, cố vấn của Công ty Bùi Văn Ngọ, kể từ những mối quan hệ đó, đến đầu những năm 1990, công ty đã xuất đi 100 máy xát trắng sang Thái Lan theo đơn đặt hàng của một nhà máy tại đây, mở đầu thời kỳ thâm nhập thị trường Đông Nam Á với quy mô lớn của công ty.
Máy cơ khí Bùi Văn Ngọ được ưa chuộng vì có tính năng phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, cải tiến được những hạn chế về kỹ thuật mà máy của Nhật, của Tây Âu lúc đó đang gặp phải.
Hiện tại, máy móc nông nghiệp của công ty đã xuất trực tiếp sang các thị trường Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines. Công ty cũng đã có đại diện bảo trì, sửa chữa máy tại Campuchia, Indonesia, Philippines. Mỗi năm, Công ty Bùi Văn Ngọ thu về trên dưới 15 triệu đô la Mỹ nhờ xuất khẩu nhưng thị trường nội địa vẫn là trọng tâm. Ông Thể Hà cho biết: “Ở trong nước vẫn thiếu máy móc thiết bị. Giá bán sản phẩm cho thị trường nội địa chỉ bằng 80% giá xuất khẩu. Chúng tôi xuất khẩu để chủ động ngoại tệ nhập khẩu thiết bị”.
Kinh nghiệm và cơ hội của người đi trước
Sau nhiều năm lăn lộn ở các thị trường Đông Nam Á, kinh nghiệm mà ông Cổ Gia Thọ rút ra là “dục tốc bất đạt”, làm cái gì cũng phải kỹ, chậm nhưng chắc; ý tưởng hay cần phải đi kèm với một kế hoạch khả thi.
Còn với Công ty Bùi Văn Ngọ, ông Thể Hà khẳng định điều quyết định làm nên thành công là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và đạo đức kinh doanh. Bao nhiêu năm qua, công ty coi khách hàng là bạn, coi nhà máy của khách hàng là nơi để mình trưng bày và vận hành sản phẩm, coi thành công của khách hàng là thành công của mình. Đã từng có tình huống nhận thấy khách có kế hoạch đặt hàng không phù hợp, công ty sẵn sàng tư vấn, thiết kế, viết dự án cho khách không lấy tiền.
Để có thể cạnh tranh trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, theo ông Thể Hà, điều quan trọng nhất là tính thích nghi với đời sống thực tế tại chỗ của sản phẩm chứ không phải là câu chuyện công nghệ đến từ đâu, đồ sộ ra sao. Nhà sản xuất trong nước có thể mua được những công nghệ chế tạo máy cơ khí nhưng phải đầu tư chất xám của mình trên cơ sở va chạm thực tế để cải tiến sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng. Và ông cũng cho rằng đối thủ lớn nhất của doanh nghiệp là chính mình. “Trong bối cảnh mọi thứ thay đổi nhanh chóng, công nghệ mới ra đời liên tục mà doanh nghiệp không chú ý hoàn thiện mình thì sẽ thua”, ông nói.
Ông Cổ Gia Thọ cho rằng Thiên Long đã “chắc chân” ở một số thị trường, trong những năm tới có thể dồn lực để tiếp tục khai thác hai thị trường còn lại là Indonesia và Singapore. Việc “cắm rễ” sớm ở thị trường các nước Đông Nam Á là lợi thế cạnh tranh đắt giá của Thiên Long so với các doanh nghiệp còn chưa bắt đầu khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức vận hành vào cuối năm nay. “Những doanh nghiệp Việt Nam càng chậm chân thì càng mất cơ hội”, ông Thọ nhận định.
Ông Phạm Thanh Bình thì cho rằng khi AEC chính thức vận hành, những sản phẩm của Việt Nam đã cắm rễ ở các nước trong khu vực sẽ giúp tạo cán cân giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhà sản xuất Thái Lan, Malaysia... vì đối thủ phải lo cạnh tranh ở thị trường trong nước. Còn khi sản phẩm của họ được đưa vào Việt Nam thì cơ hội cạnh tranh của sản phẩm trong nước vẫn khá lớn nhờ có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, chi phí sản xuất rẻ cũng như am hiểu về người tiêu dùng.
Cần những chính sách hỗ trợÔng Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, khẳng định hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh trong AEC. Ví dụ như ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm, hàng Thái Lan tràn ngập nhưng giá cao hơn hàng Việt Nam. Điều quan trọng là Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp khai thác thị trường.
Ông Thọ chia sẻ trong thời gian qua, Thiên Long đã nhận được những hỗ trợ từ cơ quan quản lý như được miễn tiền thuê gian hàng khi tham dự hội chợ quốc tế; nhận một số thông tin tư vấn về tình hình kinh doanh, văn hóa, tập tục... của một số thị trường; không bị gây khó khăn khi làm thủ tục hải quan, lập thủ tục hoàn thuế nhập khẩu... Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn được Nhà nước cung cấp các thông tin nghiên cứu thị trường có giá trị sử dụng ở những nước nhập khẩu hàng Việt; hỗ trợ nhiều hơn các chi phí khi doanh nghiệp tham gia hội chợ xuất khẩu; tổ chức thêm các sự kiện mang tầm quốc gia để quảng bá, nâng giá trị cho các thương hiệu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, việc ổn định chính sách, giá đầu vào cho sản xuất... của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu bền vững, tăng cường đầu tư nghiên cứu - phát triển sản phẩm...
Nhìn về ĐBSCL, ông Nguyễn Thể Hà cho rằng con người nơi đây cần cù, sáng tạo, có kỹ thuật canh tác và công nghệ chế biến có thể tới các nước Đông Nam Á và châu Phi sản xuất gạo và xuất khẩu tại chỗ. Các chính sách của Nhà nước, cần theo trục này để đầu tư đúng mức vào con người và nền nông nghiệp, chứ không thể vừa thiếu, vừa yếu, vừa nửa vời như hiện nay.
Theo Thesaigontimes