Bán 9% vốn tại Vinamilk, SCIC muốn bán "càng cao càng tốt"
Trao đổi với báo chí chiều ngày 23/9 về lộ trình thoái vốn tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, việc thực hiện thoái vốn tại “con bò sữa tỷ đô” này sẽ phải thực hiện theo lộ trình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và đảm bảo ổn định phát triển cho doanh nghiệp.
“Vinamilk là doanh nghiệp lớn, việc thoái vốn có thể ảnh hưởng tới xã hội, thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Do đó, trong năm nay, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn đợt 1 tại doanh nghiệp này với mức thoái vốn 9%, con số này đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư và nếu bán theo lô thì cũng đảm bảo hiệu quả về giá”, ông Chi cho biết.
Theo lãnh đạo SCIC, về cách thức thoái vốn tại Vinamilk, sau khi chọn được tổ chức tư vấn, SCIC sẽ làm việc thêm để xem xét bán trọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thoả thuận nhằm đạt mức giá cao hơn khống chế theo quy định.
“Kỳ vọng sẽ bán được giá cao nhất có thể, càng cao càng tốt. Trong quá trình làm việc với tư vấn, chúng tôi sẽ đưa ra mức giá sàn và chắc chắn không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Vinamilk sẽ không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà chào bán công khai, khi bán cũng không đặt ra giới hạn nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, cá nhân hay tổ chức miễn là có tiềm lực tài chính”, ông Chi nói.
Hiện SCIC cũng đang làm việc với một số nhà tư vấn cả trong nước và quốc tế để lựa chọn đơn vị tư vấn ngay trong tháng 9 này. Trong số các tổ chức được mời có những cái tên nổi bật như: Credit Suisse, HSBC, J.P. Morgan Chase, Nomura Holdings, vấn công ty tư vấn Rothschild. Bài viết cũng có đề cập tới 2 công ty chứng khoán trong nước nhận được lời mời tư vấn là Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty chứng khoán TPHCM (HSC)...
Ông Chi cũng cho biết, mức giá khởi điểm khi bán vốn sẽ căn cứ vào giá tham chiếu trên thị trường và tính toán các yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là tính toán mức giá phù hợp chứ khó bán cho nhà đầu tư cao hơn giá trị thật vì họ chuyên nghiệp nên kì vọng công khai minh bạch.
Mặc dù, thừa nhận hiện tại chưa có nhà đầu tư nào tiếp xúc “ngỏ ý” mua Vinamilk nhưng ông Chi vẫn khẳng định không lo bị ế”.
“Hôm nay chúng ta mới nói câu chuyện bán 9% trong năm nay thì nhà đầu tư còn phải có thời gian nghiên cứu, cân nhắc bởi đây cũng là thương vụ lớn”, ông nhấn mạnh.
Nói về lo ngại bị mất thương hiệu nếu bán cho nhà đầu tư ngoài, ông Chi cho rằng: "Vinamilk là 1 thương hiệu lớn và giá trị rất cao, giá trị thực chưa tới 1 tỷ USD nhưng giá thị trường lên tới 9 tỷ USD, chả lẽ nhà đầu tư mua với giá như vậy lại bỏ đi. Dù vậy, Chính phủ cũng rất trăn trở và tất nhiên sẽ có chính sách khác nữa để giữ gìn thương hiệu Việt sau khi thoái vốn”.
Hiện SCIC đang sở hữu 44,7% vốn tại Vinamilk. Theo truyền thông quốc tế đưa tin trước đó, hiện Fraser & Neave Ltd. (F&N), tập đoàn đồ uống của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, hiện đã sở hữu 10,9% vốn Vinamilk và đang có ý định tiếp tục gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam này. Hiện người của F&N đã có một ghế trong HĐQT VNM.
Tại một cuộc họp báo cuối ngày 14/9, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính - cũng cho biết, SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016.
"Đương nhiên có thể bán một phần hoặc bán hết cổ phần tại Vinamilk tùy vào tình hình. Với doanh nghiệp lớn như Vinamilk thì cần lựa chọn bán trình tự làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất. 9 doanh nghiệp còn lại sẽ lên kế hoạch để làm trong năm nay và đầu năm sau", ông Tiến nói.
Vị lãnh đạo Cục này cũng cho biết, quy mô vốn Nhà nước tại Vinamilk lên tới trên dưới 100.000 tỷ đồng nên không thể bán ra thị trường và được hấp thụ ngay trong một lúc, mà có thể thực hiện nhiều lần. Nguyên tắc bán cổ phần vẫn phải đảm bảo công khai, minh bạch.