Bán xúc xích, Vissan thu về hàng nghìn tỷ đồng
Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) sẽ chính thức cổ phần hoá vào tháng 3 tới. Vissan được thành lập từ năm 1970 và đến năm 2006 thì chuyển đổi mô hình thành công ty một thành viên. Doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt.
Công ty có vốn điều lệ 809 tỷ. Theo kế hoạch, sau cổ phần hoá, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% cổ phần. Vissan sẽ bán 11,3 triệu cổ phần (14%) cho nhà đầu tư chiến lược và 14% bán đấu giá ra thị trường. Phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 7/3 tới đây. Với giá khởi điểm 17.000 đồng, dự kiến số tiền bán vốn thu về là 450 tỷ.
Theo giới đầu tư, phiên đấu giá chắc chắn sẽ hấp dẫn nhiều đối tác nội và ngoại tiềm lực mạnh, chiếm lĩnh thị trường thực phẩm của Vissan. Điểm thu hút nhất của doanh nghiệp được giới đầu tư nhận định là từ xúc xích.
Mặt hàng đem lại doanh thu lớn nhất cho Vissan đó là thịt heo (1.920 tỷ đồng năm 2014). Tuy nhiên, nếu xét về khoản lợi nhuận gộp mang về thì xúc xích đóng vai trò là sản phẩm vàng khi có lãi 388 tỷ đồng (biên lợi nhuận gộp trên 31%). 9 tháng năm 2015, lợi nhuận từ mảng này vẫn ở mức cao, đạt 305 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận gộp từ thịt heo chỉ ở 69 tỷ đồng năm 2014.
Hiện Vissan đang chiếm 65% thị phần xúc xích bán trong nước với 3 thương hiệu chính là: Vissan, 3 Bông Mai, Dzui Dzui. Ngoài ra, sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Lào và Campuchia.
Cuộc chiến giành thị phần xúc xích tại Việt Nam đang diễn ra khốc liệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Vissan, CTCP thực phẩm Đức Việt, Saigon Nutri Food, Massan Group…
Cơ cấu lợi nhuận gộp của Vissan còn ghi nhận đóng góp lớn các sản phẩm khác như lạp xưởng, giò, thịt bò, thịt nguội… Năm 2014, tổng doanh thu thuần của công ty đã vượt 4.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1.271 tỷ đồng.
Sau cổ phần hoá, Vissan vẫn đẩy mạnh phát triển các ngành thế mạnh đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn. Hiện công ty chi 1.000 tỷ đồng xây dựng Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Vissan trên diện tích 22,4 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để hoàn thiện mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Lợi thế về kênh phân phối đã khiến các sản phẩm của Vissan phủ khắp đất nước, phần lớn ở phía Nam. Theo đó, công ty đang có 120 nhà phân phối chính thức, có mặt ở 223 siêu thị, 703 cửa hàng tiện lợi, 59 cửa hàng giới thiệu sản phẩm…
Tính đến thời điểm cổ phần hoá, công ty có 3.744 lao động với thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng một người. Tổng giám đốc công ty là ông Văn Đức Mười.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định trong bối cảnh hội nhập Vissan có nhiều lợi thế khi cung cấp các sản phẩm đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng. Thêm vào đó, công ty đã và đang hoàn thiện chuỗi quy trình cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do giúp công ty mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập nguyên liệu với giá cả cạnh tranh.
Tuy vậy, công ty cũng gặp khó khăn lớn do sự bành truớng của các đối thủ nước ngoài cùng phân khúc. Sản phẩm Vissan giá vẫn còn cao và chưa phù hợp với vùng nông thôn.