Bình ổn các nhóm hàng theo đúng tín hiệu thị trường

Ngày 29-3, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức sơ kết Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 và triển khai kế hoạch năm 2019 - Tết Canh Tý 2020, đồng thời ký kết liên tịch kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn (TPAT) đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn.

Doanh thu hàng BOTT năm 2018 đạt gần 31.000 tỷ đồng

Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thuơng, cho biết, CTBOTT năm 2018 - Tết Kỷ hợi 2019 được triển khai từ ngày 1-4-2018, sẽ kết thúc ngày 31-3-2019 sắp tới đã nhận được sự tham gia của nhiều DN trên địa bàn TP, với lượng hàng hóa chuẩn bị tăng cao hơn kế hoạch TP giao, đảm bảo cung ứng thị trường trong điều kiện bình thường kể cả khi có biến động. Tổng doanh thu hàng bình ổn thị trường năm 2018 - 2019 đạt 30.652,4 tỷ đồng, tăng 9,84% so năm 2017 - 2018.

Tiếp nối kết quả đạt được của CTBOTT năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019, kể từ ngày 1-4-2019, TPHCM tiếp tục triển khai 4 CTBOTT năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của TP và cả nước.

Tổng số DN tham gia 4 CTBOTT năm 2019 là 79 DN gồm 38 DN tham gia Chương trình lương thực, thực phẩm, 11 DN mùa khai giảng, 4 DN sữa, 14 DN dược phẩm, 12 tổ chức tín dụng. Trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Siết chặt an toàn thực phẩm

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, điểm mới của các CTBOTT năm 2019 là TP sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung - cầu hàng hóa, đẩy mạnh việc sơ chế tại nguồn, xây dựng các chuỗi cung ứng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng thời khuyến khích các DN sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường. Để làm được việc này, Sở Công thương sẽ làm việc thường xuyên với các sở, ngành chức năng của TP và các tỉnh, thành để nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó phản hồi cho các DN sản xuất các mặt hàng mà thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn.

Về định hướng sản xuất và kinh doanh hàng bình ổn, ông Phạm Thành Kiên cho biết, sẽ ưu tiên và khuyến khích các DN tham gia các chương trình sản xuất các mặt hàng đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, góp phần định hướng lại sản xuất, tạo thêm các loại thực phẩm sạch cho thị trường TP.

Dịp này, Sở Công thương, Sở Du lịch và Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã ký liên tịch xây dựng kế hoạch triển khai chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cho rằng, để thực hiện hiệu quả kế hoạch, các bên thống nhất sẽ chọn các khách sạn từ 3 sao trở lên, các nhà hàng hạng sang tại 5 quận nội thành để thực hiện thí điểm. Song song đó, chương trình sẽ chọn các bếp ăn trong hệ thống trường học để triển khai.

Theo lý giải của bà Phạm Khánh Phong Lan, sở dĩ TP chọn các đối tượng này để thực hiện trước là do người sử dụng đều phải trả tiền rất đắt (với các nhà hàng, khách sạn) và phụ huynh phải trả tiền ăn trước cho nhà trường nên đây là những đối tượng bắt buộc thực hiện. Ngay sau khi chương trình đi vào ổn định, TP tiếp tục triển khai rộng rãi đến các đối tượng khác.

“Để chống thực phẩm bẩn thì chúng ta phải có các biện pháp nhân rộng mô hình cung cấp thực phẩm sạch. Chúng ta cũng không thể chờ ý thức tự giác của người kinh doanh, đã đến lúc phải siết chặt hơn nữa đầu vào của thực phẩm nhằm từng bước đẩy lùi thực phẩm kém chất lượng. Đây cũng là cách để hỗ trợ, tạo sự công bằng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng, đảm bảo ATTP phát triển”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói. 

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, TPHCM hiện có hơn 3.000 cơ sở cư trú du lịch, do vậy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch làm thực đơn cho du khách là rất lớn. Trong thời gian đầu, các DN có thể gặp nhiều khó khăn về giá bán. Để khai thác hiệu quả, đưa hàng bình ổn có chất lượng vào hệ thống khách sạn thì các DN cần phải tìm hiểu kỹ về giá thành, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp. Ở nhóm các mặt hàng thực phẩm chế biến, bên cạnh tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, các DN cần chú trọng đầu tư về bao bì, mẫu mã để có thể cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại.

 

Bình luận của bạn