Bình Thuận giới thiệu thanh long với các doanh nhân ngay tại vườn

Ngày 30/10 và 1/11, đoàn doanh nhân TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và TP. Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp đến vườn thanh long của tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu, tiến tới nhập khẩu mặt hàng này. Đồng thời, cũng tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị kết nối xuất khẩu nông sản, hoa quả và thủy sản năm 2017.

Hội nghị do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận tổ chức. Đại diện chính quyền TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và đoàn doanh nhân TP. Đông Hưng, TP. Móng Cái cùng tham dự.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản mang tính thời vụ và có sản lượng lớn trong đó có thanh long, thủy hải sản của Bình Thuận, TP. Móng Cái đã tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản, hoa quả để xuất khẩu qua cửa khẩu Bắc Luân II (được Quốc vụ viện Nước CHND Trung Hoa chỉ định là điểm nhập khẩu hoa quả, nông sản, hải sản qua cửa khẩu này).

DN TP. Đông Hưng, TP. Móng Cái và tỉnh Bình Thuận ký kết văn bản ghi nhớ

hợp tác giao thương, tiêu thụ thanh long của Bình Thuận

“Hội nghị này nhằm tăng cường và phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng bền vững, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản thông qua hợp đồng giữa các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Tuấn nhận định.

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận - cho rằng, Bình Thuận có tiềm năng kinh tế phong phú, đa dạng. Ngoài nghề cá, Bình Thuận còn là vùng đất phù hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt có trái thanh long với diện tích sản xuất và sản lượng lớn nhất so cả nước. Hiện Bình Thuận có trên 27 ngàn ha thanh long, diện tích cho sản phẩm gần 25 ngàn ha, sản lượng đạt khoảng 600 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có 9.500 ha thanh long được chứng nhận VietGAP, 262ha chứng nhận GlobalGAP và gần 100 DN trồng và kinh doanh thanh long. Thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 15% và xuất khẩu 85%; chủ yếu là xuất khẩu theo hình thức buôn bán biên mậu. Các DN tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu thanh long vào 16 thị trường, trong đó chủ lực là châu Á (tỷ trọng khoảng 70%), châu Âu (20%) và châu Mỹ (6%) và châu Đại Dương (4%).

Theo ông  Kính, mặc dù thanh long Bình Thuận sản xuất ra đều tiêu thụ hết, nhưng các kênh tiêu thụ trong nước đã hình thành nhưng kết nối chưa chặt chẽ; thị trường xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều; sản lượng thanh long xuất khẩu theo hình thức biên mậu vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, ẩn chứa nhiều rủi ro trong giao nhận, thanh toán và quản lý an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái - đánh giá, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái có lợi thế đặc biệt trong việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng với chi phí thấp so với các cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Dũng cho biết thêm, tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong 5 năm gần đây đạt 24 tỷ USD. Trong thời gian tới, cửa khẩu Móng Cái sẽ thực hiện mô hình “Một cửa, một lần dừng”, tạo thuận lợi tối đa về thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu cho các DN hai nước.

Theo ông Lý Kiện, Phó Thị trưởng TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Đông Hưng có đường bộ và đường biển giáp với Việt Nam qua TP. Móng Cái. Gần đây Đông Hưng đã phát huy đầy đủ tiềm năng, trong đó có mô hình kinh tế biên mậu đã được xây dựng quy mô. Trong năm 2016, kinh tế Đông Hưng đạt 9,32 tỷ nhân dân tệ và chỉ số tăng trưởng ngày càng cao, trong đó có sự đóng góp rất lớn của kinh tế cửa khẩu với Việt Nam.

“TP. Đông Hưng mong muốn được hợp tác với chính quyền và các DN Việt Nam trong việc tiêu thụ nông sản, thủy hải sản và cam kết hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất để DN hai nước hợp tác làm ăn trong tương lai”, ông Lý Kiện cam kết.

Tại hội nghị, đại diện DN của TP. Đông Hưng, TP. Móng Cái và tỉnh Bình Thuận đã ký kết văn bản ghi nhớ về hợp tác giao thương, tiêu thụ thanh long của Bình Thuận trong thời gian tới và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho cả hai phía.

Bình luận của bạn