Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Dự án tỷ đô dọc sông Hồng mới là ý tưởng

Thông tin nêu trên được ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5 khi trả lời quan điểm về 6 công trình thủy điện thuộc dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á đang được dư luận chú ý. Đây là dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện - doanh nghiệp con của Tập đoàn ThaiGroup đề xuất xây dựng với quy mô vốn hơn một tỷ USD.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự án nêu trên hiện còn ở giai đoạn sơ khai, Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành và nhận được sự đồng thuận cao. "Dự án mới trong quá trình xây dựng. Sau khi phê duyệt mới có báo cáo tiền khả thi", ông Tự thông tin.

Tuy nhiên, trước băn khoăn về tác động tiêu cực tới môi trường của siêu dự án này, đại diện cơ quan quản lý thừa nhận nếu được triển khai, công trình này chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, song cụ thể ra sao thì cần có báo cáo tác động mới biết cụ thể. "Bước tiếp theo cũng cần phải có sự thẩm định của các bộ, ngành liên quan mới có thể khẳng định chắc chắn tác động của nó tới môi trường, sinh thái ra sao", ông nói.

Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư cũng cho rằng, việc dư luận quan tâm tới dự án tỷ đô dọc sông Hồng là chính đáng. Tuy nhiên, một lần nữa ông Tự nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là ý tưởng”.

Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.

Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.

Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.

Tuy vậy, dự án nêu trên ngay từ khi được công bố đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, về cả tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, an ninh quốc phòng...

Bình luận của bạn