Bứt phá ngoạn mục từ xuất khẩu rau quả
Năm 2015, trong bối cảnh sản lượng và giá trị xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản giảm sút thì rau quả nổi lên, được coi như hiện tượng bứt phá ngoạn mục, với mức tăng trưởng gần 50% so với năm 2014.
Tăng trưởng kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, kim ngạch XK của ngành rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng tới 47% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục của rau quả Việt Nam trong khi các nông sản khác như gạo, cà phê, điều, cao su và thủy sản đều sụt giảm.
Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) - cho biết, 2015 là năm đánh dấu sản phẩm trái cây Việt đã XK được sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp kim ngạch XK rau quả thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Việt Nam đã bắt đầu XK sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn; Nhật Bản hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10,6 tấn xoài; Australia hơn 28 tấn vải tươi. New Zealand đã phái chuyên gia sang kiểm tra vùng trồng chôm chôm tại Việt Nam, xây dựng điều kiện và cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng này; Hàn Quốc mở rộng vùng trồng xoài XK ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Dù số lượng XK chưa lớn nhưng đây là động lực để người dân tiếp cận phương pháp sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, sản phẩm chất lượng, sạch hơn và bền vững hơn.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho hay, năm 2015, mặc dù khối lượng trái vải tươi xuất sang thị trường Mỹ chưa nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc đặt những viên gạch đầu tiên vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này. Từ đây, người trồng vải tại Lục Ngạn thấy được sự cần thiết của việc sản xuất theo quy trình GlobalGap. Bởi vậy, không chỉ tại các vùng đã được cấp mã số vùng trồng mà hầu hết nông dân tại huyện Lục Ngạn đều đã quen và thực hiện theo các quy trình trồng VietGap và tiến tới GlobalGap.
Đến nay, rau quả Việt Nam đã được XK đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường XK chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan... Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch XK rau quả của Việt Nam.
Sẽ có những đột phá
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu rau quả năm 2016, ông Hoàng Trung cho rằng, với việc khai thông nhiều thị trường khó tính trong năm 2015, cùng sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp (DN), người dân có ý thức hơn trong việc tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của những quốc gia khó tính, dự báo khối lượng rau quả XK năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV, năm 2015, những lô xoài Cát Chu Việt Nam lần đầu tiên được xuất sang thị trường Nhật Bản với nhiều lợi thế. Dự báo, XK xoài sang Nhật Bản trong năm nay sẽ có sự đột phá. Không chỉ có xoài, Việt Nam đang đàm phán để XK thêm thanh long ruột đỏ sang Nhật, sau đó là các mặt hàng vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa…
Ông Hồng nhận định, khi tham gia vào TPP, rau quả Việt Nam được đánh giá có lợi thế đối vơi các nước, trong đó có các thị trường chiến lược như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… Dự báo, năm 2016, thị trường sẽ rất rộng mở đối với trái cây Việt Nam. Mặc dù cánh cửa đã được mở nhưng rau quả Việt Nam cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Vì vậy, năm 2016, Cục BVTV sẽ siết chặt quản lý thuốc BVTV, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV.