Cafe doanh nhân – cầu nối để kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ngày 25/11, tại TP Hạ Long, Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, kết nối với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP Quảng Ninh.

Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia OCOP với tổng vốn đăng ký là 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có 238 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.

Khai mạc buổi café doanh nhân, Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thành công các kỳ hội chợ OCOP Quảng Ninh; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước, như: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam… Đáng chú ý, năm 2017, lần đầu tiên, Sở Công Thương đã tổ chức Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP. Tại tuần kết nối, Sở Công Thương và Tập đoàn Central Group Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống Big C trong cả nước.

Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020. Các hoạt động này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tìm kiếm thị trường, mở rộng tiêu thụ, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Tại buổi gặp gỡ, các lãnh đạo Sở Công Thương cùng các phòng, ban chuyên môn đã lắng nghe, giải quyết nhiều câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP liên quan đến hỗ trợ xúc tiến thương mại, quy hoạch hạ tầng, thành lập trung tâm phân phối…

Tại đây, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP đã được Công ty Bưu điện Quảng Ninh giới thiệu trang bán hàng trực tiếp đặc sản Việt Nam (badasa.com.vn). Bên cạnh đó, VNPT Quảng Ninh phổ biến ứng dụng tem điện tử thông minh (VNPT Check) trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Thông qua VNPT Check, các đơn vị cung cấp tới người tiêu dùng các thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất.

Cũng tại buổi café doanh nhân, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Hồ Hải, Giám đốc Bưu điện Quảng Ninh cho biết thêm, website www.badasa.com.vn được triển khai từ tháng 6 năm 2017, đến thời điểm này trang web đã có gần 2000 sản phẩm, doanh thu khoảng 3 tỷ. Bưu điện Quảng Ninh là 1 trong 63 tỉnh thành triển khai website này trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với Sở Công Thương Quảng Ninh chuyển tải những sản phẩm OCOP vào website này để giới thiệu đến người tiêu dùng và cũng là 1 kênh để giới thiệu đến khách hàng. Đến nay, website này đã tiếp nhận được khoảng 30 doanh nghiệp tham gia.

“Từ khi giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh, đến nay đã có 300 sản phẩm đã được bán ra đặc biệt là các sản phẩm từ Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... Chúng tôi hy vọng rằng, được sự giúp đỡ từ các ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và sự phối hợp từ các doanh nghiệp sẽ đưa được thêm nhiều các sản phẩm OCOP của tỉnh vào website này để giới thiệu cho người dân trên cả nước và cũng là 1 kênh để kết nối doanh nghiệp tới người tiêu dùng qua bưu điện để chuyển tải sản phẩm này tới người tiêu dùng, cùng với đó là 1 kênh để người bán sản phẩm và người mua hàng được nhanh nhất và tiện lợi nhất” – Ông Hải nhấn mạnh

Hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia buổi gặp gỡ đều cho rằng, hoạt động trong chương trình “Cafe doanh nhân” đã cho thấy sự quan tâm sát sao của ngành Công Thương nói riêng và các sở, ngành, đơn vị nói trong trong việc hỗ trợ các đơn vị kết nối tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối bền vững, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường./.

 

Bình luận của bạn