CEO Ngân hàng Quân đội: Tôi kinh doanh với cốt cách người lính
Tạp chí Asian Banker vừa trao giải thưởng Thành tựu lãnh đạo cho 12 nhà điều hành ngân hàng xuất sắc nhất tại mỗi quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Công - Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) là đại diện của Việt Nam nhận giải thưởng này. Vị CEO mang hàm tướng duy nhất trong ngành ngân hàng đã có những chia sẻ với báo chí về vinh dự này.
- Cảm xúc của ông khi nhận được giải thưởng này như thế nào?
- Giải thưởng này được các chuyên gia kinh tế độc lập xét duyệt trong vòng 5 tháng, dựa trên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong bối cảnh chung của toàn thị trường trong 3 năm (2013 -2015). Khi được phát biểu tại buổi lễ, tôi đã bày tỏ niềm tự hào với các lãnh đạo ngân hàng khu vực, đây là vinh dự của ngành ngân hàng Việt Nam, của MB, trong đó có cá nhân tôi. Chúng tôi cũng bất ngờ khi được trao giải vì cũng không chủ động cung cấp thông tin cho Ban Tổ chức. MB là ngân hàng niêm yết, họ bình xét trên cơ sở kết quả kinh doanh được công bố hằng năm.
Nếu so với những ngân hàng trong khu vực và được giải lần này, chúng tôi vẫn là một ngân hàng quy mô nhỏ. Tuy nhiên, Asian Banker đánh giá cao sự vượt trội trong cải cách và quản trị trước những thay đổi lớn trong giai đoạn khủng hoảng.
- Không như các CEO ngân hàng khác, ông còn là một Thiếu tướng trong ngành quân đội. Vậy đứng trước một thương vụ đầu tư, làm ăn kinh doanh, quyết định của CEO là người lính có gì khác?
- MB mang tên thương hiệu quân đội nhưng chúng tôi cũng là một ngân hàng thương mại cổ phần nên mọi sự quản lý vẫn chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và tuân theo tín hiệu của thị trường. Do đó, khi đưa ra quyết định phải nhìn thẳng vào rủi ro mà phân tích đánh giá.
Ở đây không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Khi điều hành, ra quyết định chúng tôi luôn đặt đạo đức lên hàng đầu. Tính kỷ luật, sự chuẩn chỉ của quân đội có vai trò rất lớn giúp chúng tôi quản trị ngân hàng tốt.
Được bầu làm Tổng giám đốc đã là một vinh dự còn là vị tướng của quân đội thì trách nhiệm của mình càng phải lớn trước sứ mệnh của đất nước, nhân dân. Không làm tốt được thì mình phải thôi ngay.
- Ông nhận vị trí Tổng giám đốc từ năm 2010 và đến nay, ông đánh giá những mục tiêu đặt ra đã đạt được đến đâu?
- Giai đoạn 2011-2015, MB định hướng xây dựng là một ngân hàng thuận tiện và nằm trong Top 3 ngân hàng cổ phần. Mục tiêu ấy chúng tôi đã đạt được. Sau 5 năm, các chỉ số tài chính đều dẫn đầu các ngân hàng cổ phần khi tổng tài sản tăng gấp đôi so với năm 2010 lên 221.042 tỷ; huy động vốn cũng tăng gần gấp 3 lần. Vốn điều lệ tăng gấp đôi so với 2010. Lợi nhuận tăng 1,5 lần. Nợ xấu quản lý chặt chẽ, đến hết 2015, tỷ lệ nợ xấu còn 1,61%. Nếu xét về quyền lợi của cổ đông những năm qua, chúng tôi vẫn là ngân hàng chia cổ tức cao nhất, bình quân năm thấp nhất cũng là 10%. Các chỉ số khác như ROA, ROE và lợi nhuận trên đầu người duy trì ở mức tốt nhất thị trường.
- Vậy còn chiến lược trong 5 năm tới của ngân hàng sẽ như thế nào, thưa ông?
- Sau khi mục tiêu Top 3 ngân hàng cổ phần thực hiện được, năm 2020, MB đặt tham vọng vào Top 5 trên toàn hệ thống, gồm cả ngân hàng thương mại Nhà nước. Thực tế chúng tôi đã vào Top 5 nhưng khách quan mà nói, khoảng cách giữa mình với các ngân hàng quốc doanh trong top đầu vẫn còn rất lớn, có những đơn vị mà các tiêu chí về tổng tài sản, dư nợ, nhân sự, mạng lưới... vẫn gấp 3 lần mình. Do đó, đây là thách thức rất lớn và chúng tôi cần làm sao để đứng ở trong top này một cách vững chắc.
- Dù các chỉ số tài chính vẫn dẫn đầu nhưng không thể phủ nhận ngân hàng đang gặp không ít áp lực từ các nhà băng cổ phần khác đã vượt MB về quy mô vốn, tổng tài sản nhờ mua bán, sáp nhập. Vậy ngân hàng sẽ giải quyết bài toán này như thế nào nếu không tính đến một phương án M&A?
- Chúng tôi cũng đã đặt ra bài toán này, đó là liệu có hướng tới tìm kiếm một ngân hàng sáp nhập hay tự mình tăng trưởng. Đồng ý là một số nhà băng đã lớn nhanh hơn nhờ sáp nhập, tổng tài sản, quy mô họ tăng có thể gần gấp đôi chỉ qua một đêm sau sáp nhập, nhưng lịch sử ngân hàng thế giới cũng cho thấy, chỉ 10% số ngân hàng sau sáp nhập thành công và thắng lớn. Nếu làm không cẩn thận lại thành gánh nặng cho mình, khó phát triển được, tránh việc sáp nhập vào rồi yếu đi.
Ngược lại, thế giới vẫn có những mô hình ngân hàng quy mô nhỏ mà vẫn giành thắng lợi lớn, lợi nhuận rất cao. Do đó, dù cũng xem đây là một xu thế nhưng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ để đã M&A là phải thắng lợi.