Chậm “rửa oan” cho nông sản Việt
Ngay những ngày đầu năm mới, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được phen “hoảng hồn” khi tin đồn khoai lang Việt có chứa chất độc da cam lan truyền khắp Singapore.
Chuyện là, một người tiêu dùng tại đây đã mua khoai của Việt Nam về và hấp bằng lò vi sóng. Sau một đêm để trong tủ lạnh, màu sắc khoai đã biến thành màu xanh lục. Người này nhanh chóng đưa lên facebook và còn dẫn lời một bác sĩ giấu tên nói rằng, khoai lang chuyển màu như vậy là do trồng trên đất nhiễm chất độc màu da cam.
Tin đồn đó thực sự là “cú đánh trời giáng” với các doanh nghiệp xuất khẩu. Rất may, Cục Nông nghiệp thực phẩm và thú y Singapore (AVA) đã nhanh chóng “minh oan” cho khoai lang Việt khi đưa ra thông báo khẳng định: Khoai lang chuyển màu xanh sau khi luộc chín là an toàn và ăn được. AVA giải thích rằng, khoai lang có chứa những flavonoid tự nhiên và các sắc tố tan trong nước có thể gây đổi màu ở những nồng độ axít khác nhau hoặc khi tiếp xúc với không khí. Lời khẳng định được công bố chỉ sau gần một tuần kể từ khi tin đồn lan ra. Khoai Việt “tai qua nạn khỏi” nhờ sự vào cuộc và lên tiếng kịp thời của cơ quan quản lý của Singapore.
Đã từ vài năm nay, hàng trăm bài báo đưa tin nhiều nông dân sử dụng hóa chất ethephon để thúc chín trái cây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đã đến “tai” các thị trường nước ngoài. Hậu quả là, nếu doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản trực tiếp vào Bắc Mỹ, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua bảo hiểm cho khách hàng của đất nước họ cao hơn nước khác, tới 50% giá trị lô hàng. Trong khi Thái Lan, một số nước trong khu vực và ngay cả thị trường Đài Loan chỉ phải mua bảo hiểm khoảng 5- 15%. Điều này khiến các nhà nhập khẩu buộc phải mua sản phẩm của Việt Nam với giá rẻ và doanh nghiệp xuất khẩu đành phải tìm đường lách, bán hàng qua nước khác như Thái Lan.
Đó là những thông tin được đại diện Công ty Vinamit chia sẻ tại một hội thảo tổ chức vào cuối năm 2015. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những thông tin vậy đã khiến việc xuất khẩu từ gạo, khoai lang, trái cây nói riêng cho đến nông sản nói chung đều sụt giảm. Và cũng chỉ đến hội thảo này, các nhà khoa học trong nước mới khẳng định: Ethephon không gây độc hại và thông tin trên báo chí là sai lầm, quá chậm. Nhưng đó là lời của các nhà khoa học, còn các cơ quan quản lý nhà nước đến bây giờ vẫn “im hơi lặng tiếng”, chẳng “rửa oan” cho nông sản Việt.
Nhìn người, ngẫm ta mà... buồn.