Châu Phi, Trung Đông - Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thực phẩm Việt
Thị trường châu Phi - Trung Đông có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường này của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng.
Chia sẻ tại hội thảo “Giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/12, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - cho biết, Việt Nam và các nước thuộc khu vực Trung Đông, châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và không ngừng được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi đạt 23,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 8,4 tỷ USD.
Châu Phi - Thị trường lớn về nông sản
Liên quan đến những cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - cho hay, châu Phi có 55 nước, dân số hơn 1,3 tỷ người, kinh tế khu vực này tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo. Đáng chú ý, thị trường châu Phi có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, khá dễ tính và có ưu tiên về giá cả. Năm 2016, các nước châu Phi nhập khẩu nông sản trị giá 35 tỷ USD, ước tính sẽ đạt tới 110 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, các mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, sản phẩm dệt may, giày dép các loại, hạt tiêu là những mặt hàng có nhu cầu cao và là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Mặc dù vậy, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng nêu những quy định phải tuân thủ hiện nay tại thị trường châu Phi để DN tham dự hội thảo nắm rõ. Theo đó, Các DN xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn về nhãn mác, mã ký hiệu, thông tin sản phẩm, giấy chứng nhận ở các nước hồi giáo…
Bên cạnh đó, trong các giao dịch thương mại đang có xu hướng gia tăng tình trạng lừa đảo của một số DN đến từ các nước Tây Phi. Do đó, DN Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước này cần chú ý, thận trọng, nhất là với các phương thức như giao hàng trước, thanh toán sau; tìm hiểu thông tin từ đối tác thông qua các Tham tán Thương mại...
Cẩn trọng với các thương vụ làm ăn lớn ở Trung Đông
Tương tự, với thị trường Trung Đông, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin, 80% lương thực, thực phẩm khu vực Trung Đông phải nhập khẩu hàng năm với khoảng 40 tỷ USD (năm 2016), đến năm 2035 ước nhập khẩu khoảng 70 tỷ USD về lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhiều nước khu vực Trung Đông có sức mua lớn và khả năng thanh toán cao do GDP/người ở mức cao.
Tuy nhiên, trong năm 2016, các DN Việt Nam mới xuất khẩu lương thực, thực phẩm trị giá khoảng 775 triệu USD sang Trung Đông, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường này còn rất nhiều dư địa và cơ hội cho các DN Việt Nam.
Giống như châu Phi, muốn tiếp cận được thị trường Trung Đông, đại diện Bộ Công Thương - cho rằng, các DN phải thực sự tìm hiểu kỹ thông tin thị trường để tránh rủi ro. Bởi Trung Đông là khu vực bất ổn về chính trị, khác biệt về đặc điểm văn hóa cùng một số rào cản kỹ thuật (rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu tại Trung Đông không có thói quen mở L/C).
Ngoài ra, DN cần cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn, tìm hiểu thông tin qua các thương vụ, phòng thương mại công nghiệp tại nước sở tại. DN cần đưa ra mức phần trăm đặt cọc (khoảng 30%); tìm hiểu kỹ về quy định xuất nhập khẩu của các thị trường sở tại hoặc tham khảo các thông tin trên Bộ Công Thương, các địa chỉ uy tín của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.