Cho vay VNĐ, lãi suất theo USD
Hôm qua (1-4), ngày đầu tiên các ngân hàng (NH) thương mại thực hiện quy định của Thông tư 24/2015 của NH Nhà nước về việc chấm dứt cho doanh nghiệp (DN) vay - bán ngoại tệ.
Vay ngoại tệ nửa vời
Về ảnh hưởng của việc chấm dứt quan hệ vay - bán ngoại tệ, các DN xuất nhập khẩu có nhiều ý kiến khác nhau. “Theo Thông tư 24, DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu vừa được mua vừa được vay USD nên không ảnh hưởng đến hoạt động” - ông Trần Duy Quân, Phó Giám đốc Công ty Dây và Cáp điện Vạn Xuân, nói.
Thế nhưng, ông Đặng Viết Mừng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Gia Định, cho rằng do không được vay - bán ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất trong nước, DN bị ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu. “Với lãi suất vay USD từ 3%-3,5%/năm thời hạn 3-6 tháng, DN giảm được chi phí rất nhiều so với vay VNĐ lãi suất 7,5%/năm” - ông Mừng phân tích.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước) Bùi Quốc Dũng nhìn nhận DN có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu không phải là đối tượng có nhu cầu vay USD. Họ vay USD chỉ để được hưởng lãi suất thấp.
Trước quy định mới và nhu cầu của DN, một số NH đã triển khai sản phẩm cho vay VNĐ với lãi suất được tính bằng lãi suất cho vay USD kèm theo cam kết DN phải bán ngay ngoại tệ cho NH này khi nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài với tỉ giá được chốt tại thời điểm cho vay.
Lãnh đạo của một NH lớn ở TP HCM cho biết cách đây 7 năm, hình thức cho vay VNĐ, lãi suất tính theo vay USD đã được nhiều NH thực hiện. Về bản chất, sản phẩm tín dụng này là cho vay USD nửa vời. Vay VNĐ, lãi suất tính theo vay USD, DN sẽ giảm được chi phí vốn bởi lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất vay VNĐ. Tuy nhiên, DN có thể bị thiệt nếu tại thời điểm bán ngoại tệ, tỉ giá VNĐ/USD tăng so với lúc vay. Còn NH thì mua được ngoại tệ rồi bán cho khách hàng khác, thu chênh lệch giữa mua và bán.
Nhiều hợp đồng mua USD kỳ hạn bị hủy
Tuy Thông tư 24 quy định chấm dứt quan hệ vay - bán ngoại tệ nhưng vẫn tiếp tục cho phép 4 nhóm đối tượng được vay ngoại tệ, gồm: DN xuất khẩu được vay USD ngắn hạn, trung và dài hạn để nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, máy móc; DN được vay USD để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ; DN nhập khẩu xăng dầu theo hạn ngạch do Bộ Công Thương phê duyệt cũng được vay USD ngắn hạn; DN vay USD để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Trong ngày đầu Thông tư 24 có hiệu lực, thị trường ngoại tệ vẫn ổn định. Lúc 14 giờ, NH Thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mua vào 22.260 đồng/USD, bán ra 22.320 đồng/USD. Các NH Vietcombank, BIDV, Sacombank, ACB… niêm yết giá mua bán USD như Eximbank. Trên thị trường tự do, giá USD bán ra ở mức 22.300 đồng, thấp hơn NH thương mại 20 đồng.
Trong khi đó, NH Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm 21.850 đồng/USD, giảm 7 đồng/USD so với hôm trước; tiếp tục thu mua USD từ các NH thương mại với giá 22.300 đồng/USD, cao hơn 40 đồng/USD so với mức mà các NH thương mại thu mua từ DN.
Theo số liệu giao dịch hằng ngày, ước tính từ đầu năm 2016 đến nay, NH Nhà nước đã thu mua khoảng 3 tỉ USD từ các NH thương mại. Còn hợp đồng mua USD kỳ hạn từ NH Nhà nước đều được các NH thương mại hủy do tỉ giá VNĐ/USD có xu hướng đi xuống.