Chủ động điều chỉnh hoạt động xuất - nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 không đạt tốc độ tăng trưởng đặt ra. Theo các chuyên gia, ngoại trừ yếu tố bất ngờ, ngoài dự đoán trên thị trường quốc tế thì các cơ quan điều hành vĩ mô cần quan tâm, tìm biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng bị động, từ đó chủ động làm tốt công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngay từ đầu năm mới này…
Gia tăng xuất khẩu
Bộ Công thương nhận định, nhiều năm qua, mặc dù đạt những kết quả trong xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp (DN) chưa tận dụng hết cơ hội. Trên thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta mới chiếm khoảng 1% của tổng nhu cầu nhập khẩu của các đối tác, nhất là với các quốc gia đã cùng Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này cho thấy "dư địa" cho hàng xuất khẩu của ta còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu.
Năng lực dự báo thị trường của cơ quan quản lý, đặc biệt là của DN còn hạn chế, nên đôi khi rơi vào tình huống bị động. Việc tập trung quá nhiều vào một số thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… có lúc đẩy DN vào tình huống bất lợi do những biến động, hoặc yếu tố "lạ" xuất hiện ngoài dự báo. Năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ "nội" còn hạn chế, tự làm mất cơ hội tham gia cung cấp linh kiện cho các nhà xuất khẩu thành phẩm, từ đó mất cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, vì không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trường hợp một số DN Nhật Bản tại Việt Nam, hay Samsung mong muốn tìm được đối tác cung cấp linh kiện nhưng "bói" không ra là minh chứng cho thực tế này.
Kiểm soát nhập khẩu
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần chủ động kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu ngay từ đầu năm và thống nhất quan điểm khuyến khích nhập những mặt hàng cần thiết cho sản xuất trong nước và chế biến hàng xuất khẩu. Như vậy, nhóm hàng nguyên phụ liệu, vật tư, xăng dầu và máy móc thiết bị công nghiệp sẽ tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ, chưa thật cần thiết, đặc biệt là ô tô cần được quản lý kịp thời và tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng có lựa chọn hợp lý.
Nhằm phòng tránh hiện tượng "chảy máu" ngoại tệ để đáp ứng nhiều nhu cầu cấp thiết thay vì đổ vào tiêu dùng thuần túy, cơ quan quản lý cũng như DN nên quan tâm và có tinh thần tự "đề phòng", không nhập khẩu những mặt hàng, sản phẩm mà DN trong nước đã đáp ứng được về mẫu mã, chủng loại cũng như chất lượng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và đòi hỏi sự tự giác trong hành xử của mỗi cá nhân, DN. Đơn cử, một số sản phẩm cơ kim khí, thiết bị công nghiệp đồng bộ, đồng phục, nông sản, dịch vụ tổng hợp… của các đơn vị trong nước sản xuất với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh và cần được ưu tiên trong tiêu thụ đối với các khách hàng trong nước. Làm được như vậy là các DN ủng hộ nhau, góp phần thúc đẩy sản xuất, thiết thực ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đặc biệt, cần nghiên cứu phương án để thực hiện việc giảm dần mức nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và thay thế bằng những đối tác khác, theo hướng đa dạng hóa nguồn cung để đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa. Đây là yêu cầu quan trọng và ngày càng cấp thiết bởi nhập siêu của nền kinh tế trong giao thương với Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng trong những năm qua.