Chủ tịch Traphaco và mục tiêu đông dược xanh
Phía sau sự kiên cường của người phụ nữ này là cách quản trị rất mềm, để gìn giữ cho Traphaco, đứa con tinh thần của bà vươn tới màu xanh của sự bền vững.
Mở đường đông dược
Năm 2000, khi tiến hành cổ phần hóa, tài sản Traphaco là 9,9 tỉ đồng, cũng là vốn điều lệ để 300 con người hoạt động, vừa sản xuất, vừa kinh doanh. 10 năm sau, doanh thu doanh nghiệp này đã đạt gần 1.000 tỉ đồng. Đỉnh cao, năm 2015, các nhà đầu tư định giá Traphaco lên đến 5.000 tỉ đồng. “Hiện doanh thu Traphaco hơn 2.000 tỉ đồng/năm nhưng điều chúng tôi tự hào không phải là những con số. Tôi sẽ rất vui khi mọi người nói rằng, Traphaco là doanh nghiệp đi đầu trong việc hiện đại hóa y học cổ truyền, xây dựng chuỗi giá trị xanh”, người gắn bó hơn 40 năm với thương hiệu này bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Sinh năm 1956, tiếp nối truyền thống gia đình, bà Vũ Thị Thuận theo học Đại học Dược Hà Nội để có thể bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc như cha mẹ. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, bà quyết định về làm việc tại Công ty Dược và Thiết bị vật tư y tế (Traphaco), đơn vị phục vụ riêng cho ngành giao thông vận tải, để tiện việc chăm sóc mái ấm của mình. Khởi đầu với vị trí cán bộ kỹ thuật, nhưng với chuyên môn sẵn có, cùng tinh thần làm việc xông xáo, bà nhanh chóng đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Công ty.
Đây cũng là vị trí khiến bà quyết định cùng người lãnh đạo dẫn dắt Traphaco chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần. “Lúc đó, chưa biết gì về cổ phần hóa đâu, chỉ biết là phải có cơ chế tự làm chủ công việc, không lệ thuộc vào cơ chế và tài chính nhà nước là xin - cho”, bà Thuận nhớ lại. Ngày đó, động lực lớn nhất để bà cùng Ban lãnh đạo Traphaco quyết liệt hoàn tất quá trình cổ phần hóa chỉ trong 60 ngày vì đời sống nhân viên quá chật vật. Trong khi đó, các thương hiệu dược phẩm khác đã và đang phát triển rất tốt.
Theo bà Thuận, cũng vì không có tài sản, đất đai nhưng toàn thể nhân viên lẫn Ban điều hành đều sẵn sàng nên công tác định giá, cổ phần ở Traphaco diễn ra nhanh gọn. Người lao động được hưởng 2 tháng lương dự trữ để có thể vững tâm mua cổ phần. Huy động được hơn 60 tỉ đồng, cuối năm 1999, Traphaco chính thức bước chân vào thương trường với sự tham gia của Nhà nước chỉ còn 45%.
Bằng chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng đông dược, thay vì sản xuất tân dược từ các nghiên cứu đã hết hạn bản quyền như phần lớn các đơn vị khác, Traphaco từ một doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất Việt Nam. Năm 2000, bà Thuận chính thức đảm nhận chức vụ Giám đốc Điều hành, trở thành linh hồn của Traphaco. Bà tiết lộ: “Ngày đó, biết mình nhỏ, chúng tôi chọn thị trường ngách, làm tốt nhất thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt”.
Theo đuổi kinh tế xanh
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan. Business Monitor International đánh giá, ngành này sẽ tăng trưởng 2 con số trong vòng 5 năm tới và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Đặc biệt, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo lên đến 85 USD/năm vào năm 2020 và 163USD vào năm 2025.
Theo bà Thuận, năm 2021, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt hơn 7 tỉ USD. Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển của ngành cực kỳ lạc quan. Trong bối cảnh đó, Traphaco có nhiều lợi thế. Bởi vì, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của dược liệu với hơn 4.000 cây thuốc. Đây sẽ là nền tảng để Traphaco không những kinh doanh tốt ở thị trường trong nước mà còn hướng đến công tác nghiên cứu, phát triển nền y học cổ truyền. “Đông dược mang trong mình bí ẩn của thiên nhiên, là sự hấp dẫn của từng xứ sở. Nhưng cũng đòi hỏi người kinh doanh phải kiên định với con đường của mình, phải giữ đúng màu xanh cho dược liệu, điều mà người ngoài khó kiểm chứng được”, bà Thuận nói. Vì kinh doanh trên chất liệu ấy, Traphaco quyết tâm theo đuổi kinh tế xanh, con đường phát triển doanh nghiệp gắn liền với sự bền vững của môi trường.
Để kiến tạo màu xanh cho Traphaco, khi còn đảm nhận vị trí trực tiếp điều hành, bà Thuận đã chủ động tổ chức các vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO tại nhiều địa phương. Chiến lược này giúp Traphaco chủ động nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm dù thị trường có biến động. Đặc biệt là tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần giải bài toán nhân sinh. Bà Thuận khoe: “Khi xây dựng nhà máy sản xuất tân dược lớn nhất của mình, Traphaco dành đến 1/3 kinh phí xây dựng cho công tác bảo vệ môi trường như giảm thiểu khí thải, xử lý tái dụng nước thải, tận dụng năng lượng mặt trời... Chúng tôi muốn hoạt động sản xuất thực sự thân thiện với môi sinh”.
Chấp nhận giảm lợi nhuận để theo đuổi kinh tế xanh, người phụ nữ gần như đã dành trọn thanh xuân của mình cho Traphaco biết, con đường này nhiều thử thách, đặc biệt là trong cơ chế cạnh tranh về giá đấu thầu thuốc trong các bệnh viện hiện nay. Những lần bắt gặp sự lo lắng trong mắt nhà đầu tư, bà bảo, bản thân cũng không tránh được nỗi buồn. Tuy nhiên, sẽ không có chọn lựa khác, để Traphaco đánh đổi những giá trị bền vững lấy lợi nhuận trước mắt.
“Phát triển bền vững là xu thế của thời đại. Theo đuổi con đường này, tôi chắc chắn doanh nghiệp sẽ thành công”, bà Thuận nói.