Chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa Việt Nam vững vàng trong đại dịch

Trong giai đoạn khó khăn nhất khi làn sóng đại dịch ập đến nhưng xuất khẩu những mặt hàng như vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… vẫn được ra thị trường thế giới.

Thậm chí, có những mặt hàng lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới, bán với giá rất cao. Đó là một nỗ lực lớn để thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển kinh tế trong thời Covid-19.

Đây là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI và hiện là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc đã được rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí trích dẫn và đăng tải.

Theo ông Lộc, khi dịch bệnh bùng phát khiến các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy; sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều khó khăn. Tình huống đó đòi hỏi các đơn vị quản lý phải sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp uyển chuyển với các địa phương để hàng hóa lưu thông thông suốt vừa tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ.

“Thực tế, kể từ năm 2020, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, hàng loạt giải pháp của Bộ Công Thương được đánh giá cao trong việc giảm nguy cơ ách tắc các hoạt động cung ứng; đặc biệt, chính sự sáng tạo trong phân phối đã đảm bảo hàng hoá lưu được thông thông suốt ở vùng dịch”, ông Lộc nói.

Nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc xuất phát từ thực tế: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Bộ Công Thương được ghi nhận đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến được vận dụng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo đời sống dân sinh.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, tại hệ thống phân phối, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng; đồng thời khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm bán bổ sung thay thế các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa do dịch bệnh…

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa thiết yếu khảo sát thực tế tại tâm dịch TP HCM 

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam: Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Cụ thể, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tại phía Nam để xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương trực chiến tại các tỉnh phía Nam với quyết tâm: Không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn trong bất cứ tình huống nào

Cùng với đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm cung cầu, lưu thông hàng hóa ... trên cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành phía Nam; Chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai một số nội dung: (i) Tăng dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; (ii) Tăng cường các điểm bán hàng lưu động; (iii) Chủ động và tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố phía Nam đang có nhu cầu; (iv) Tạo điều kiện đảm bảo cho hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt, không bị ách tắc; (v) Tạo các vùng đệm cho hàng hóa ra vào các tỉnh, thành phố; (vi) Nghiên cứu mở lại các chợ truyền thống nếu đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 (như bố trí các tiểu thương ngồi giãn cách để phục vụ người dân mua hàng); (vii) Ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu…;

Bộ cũng đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối về việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trong tình hình Covid-19; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa thiết yếu trên nền tảng thương mại điện tử; Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế…

Nhìn chung, đến nay thị trường các địa phương đã dần ổn định, hàng hóa đầy đủ, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá đột biến. Công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại các địa phương trên cả nước được triển khai, chuẩn bị sẵn sàng theo các phương án tương ứng với các kịch bản ở mọi cấp độ và diễn biến của dịch bệnh.

Bình luận của bạn