Chuyển động tiền tệ trước mùa cao điểm 2016
Thị trường chứng khoán có phản ứng khá mạnh trước và sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng nhanh chóng cân bằng.
Thị trường vàng có biến động giá mạnh, tăng cao rồi nhanh chóng giảm sâu. Lần thứ hai trong năm thị trường này bộc lộ rủi ro trước những biến động lớn; trước đó là sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit).
Tuy nhiên, những biến động trên, đặc biệt là từ thị trường vàng, đã không gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Mối liên hệ thường thấy nhiều năm trước là ở tỷ giá USD/VND, nhưng vẫn ổn định trong tuần qua.
Tỷ giá USD/VND đang rất gần đích hoàn tất một năm khác biệt, hầu như không có biến động nào thực sự quá lớn, cũng như đã gần hết năm vẫn chưa có một bước phá giá chủ động, hoặc bị dồn nén, như luôn diễn ra nhiều năm trước.
Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND có diễn biến tăng nhẹ trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, cũng như trên thị trường liên ngân hàng. Thị trường cũng đang chuẩn bị bước vào mùa cao điểm chi trả, thanh toán cuối năm. Với riêng tỷ giá, có một dữ liệu đáng chú ý, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm % so với tháng trước.
Dù vậy, với cơ chế tỷ giá trung tâm, cùng sự điều tiết hàng ngày qua cân đối thanh khoản, lãi suất…, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục cho thấy sự chủ động trong giám sát thị trường để hạn chế những biến động lớn, cùng với nguồn lực dự trữ ngoại hối đã cải thiện hơn rất nhiều so với năm trước (đạt trên 40 tỷ USD).
Những phân tích mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định, mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm nay, thị trường ngoại hối không có áp lực.
Tuy nhiên, như trên, giá USD bán ra của các ngân hàng hiện đã ở mức 22.365 VND, thay cho quãng ổn định quanh 22.320 – 22.330 VND suốt từ đầu năm. Trên thị trường liên ngân hàng, đến tuần qua, giá USD cũng giao dịch ở quãng khá cao, từ 22.340 – 22.355 VND.
Quãng giao dịch trên cũng bao hàm tình huống thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã tạm ngừng mua vào ngoại tệ, khi giá mua vào USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên ở mốc 22.300 VND.
Trong khi đó, lãi suất VND có những chuyển động rõ nét hơn trước mùa cao điểm thanh toán, chi trả năm nay. Cùng đó, các ngân hàng thương mại cũng đang gần đến thời điểm thực hiện các tỷ lệ an toàn mới (tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn), nên có sự chủ động cân đối lại nguồn, có tác động nhất định đến lãi suất bên cạnh nhu cầu thanh toán, chi trả theo mùa vụ cuối năm…
Thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, sau một thời gian dài nằm ở mức thấp, lãi suất VND qua đêm đã tăng trở lại thời gian gần đây, vượt mốc 1%/năm và lên 1,25%/năm cuối tuần qua. Dù vậy, đây vẫn là mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Tương tự, lãi suất tín phiếu - công cụ để Ngân hàng Nhà nước hút bớt tiền về - cũng đã tăng khá mạnh trở lại trong hai tuần gần đây. Sau khi giảm sâu và xuống chỉ còn 0,35%/năm, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất tín phiếu đã tăng mạnh lên 1%/năm.
Cùng đó, lượng vốn các ngân hàng thương mại gửi bớt về Ngân hàng Nhà nước cũng đã ít đi. Thời gian gần đây, lượng tín phiếu cơ quan này phát hành để hút bớt tiền về đã có những phiên dư thừa; lượng tín phiếu lưu hành từng có trên 90.000 tỷ đồng cách đây khoảng một tháng hiện chỉ còn khoảng 65.000 tỷ đồng.
Thị trường vẫn còn hơn một tháng nữa để kết thúc năm 2016, cũng như vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả. Nhưng, đến thời điểm này, 2016 đang dần định hình là một năm khác biệt rõ rệt: tỷ giá được giữ ổn định; thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo và dư thừa; lãi suất có xu hướng giảm sau khi tăng đầu năm.
Một điểm khác biệt nữa, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp để sớm xử lý vấn đề nhu cầu vốn của trái phiếu Chính phủ mà không gây xáo trộn lớn đến lãi suất. Đến cuối tháng 9/2016, cơ bản nhu cầu này đã được đáp ứng, để bớt chèn lấn các nhu cầu vốn khác trên thị trường trong những tháng cuối năm, dù quý cuối năm Bộ Tài chính, qua Kho bạc Nhà nước, rướn vay thêm 31.000 tỷ đồng nữa.