Công tác điều hành thị trường trong nước năm 2021: Minh bạch, kịp thời, hiệu quả
Minh bạch, kịp thời, hiệu quả, công tác điều hành thị trường năm 2021 đã góp phần cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và điều hành linh hoạt tại những thời điểm thị trường biến động hoặc bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Từ đó góp phần ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa trong năm.
Thị trường hàng hóa ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước cuối năm 2021 diễn ra ngày 31/12, bà Lê Thị Hồng, thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước thông tin, thị trường hàng hoá thế giới trong năm 2021 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Trong đó dịch bệnh Covid-19 là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
Cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước cuối năm 2021
Những biến động đó đã tác động mạnh đến thị trường nội địa. Trong tháng 12, thị trường bắt đầu sôi động hơn với các hoạt động chuẩn bị nguồn cung hàng hoá cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, vào giai đoạn gần dịp lễ Noel, nhiều chương trình khuyến mạim giảm giá cũng được doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh khiến các cơ quan chức năng phải ban hành cá quy định về hạn chế các hoạt động tập trung đông người và dừng bán hàng ăn tại chỗ nên ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm hàng hoá của người dân. Nguồn cung hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động lớn.
Riêng một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, mít đang gặp khó khăn do việc thông quan chậm tại các cửa khẩu phía Bắc khi phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiển soát dịch bệnh Covid-19. Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng này, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai các giải pháp về thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa và hỗ trợ tìm kiếm các thị trường mới.
Thị trường nội địa được đảm bảo bình ổn trong năm 2021
"Tại một số thời điểm tại một số khu vực, nguồn cung thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu bị gián đoạn do người dân tăng mạnh mua tích trữ khi nhà nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch nên hệ thống phân phối chưa đáp ứng kịp, hiện tượng này đã cũng nhanh chóng được các bộ ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt và khắc phục kịp thời" - bà Hồng nhấn mạnh. Trong giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị Tết và dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường được triển khai tốt từ cuối năm trước đã giúp nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ cho nhu cầu Tết được đảm bảo.Nhìn chung, năm 2021, thị trường hàng hoá chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Sức mua trên thị trường giảm do nhu cầu của người dân giảm và việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các địa phương làm hạn chế lưu thông hàng hoá. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân vẫn tăng và cơ bản được đáp ứng đủ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12 đạt 458.455 tỷ đồng, tăng 4,75% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2021 đạt 4.789.495 tỷ đồng, giảm 3,76% so với năm 2020.
Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Năm qua, 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng cao nhất với 0,22%. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.
Sở dĩ có mức tăng thấp là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 giảm 3,8% so với năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm tới 6,2%.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác kiềm chế mức độ tăng CPI là: Dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí giảm mạnh; việc thực thi chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như giảm giá tiền điện, hỗ trợ dịch vụ viễn thông; một số địa phương tiếp tục miễn, giảm học phí...
Ông Trần Duy Đông – Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Mặc dù CPI năm 2021 đã được kiểm soát theo chỉ tiêu, song mức tăng thấp này sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành giá của năm 2022”.
Công tác điều hành góp phần quan trọng ổn định thị trường hàng hóa
Trong một năm thị trường hàng hóa có quá nhiều biến động, các thành viên Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số địa phương lớn, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...) đã có sự phối hợp tốt trong công tác điều hành thị trường.
Đơn cử, đối với công tác bình ổn thị trường và công tác chuẩn bị Tế, Tổ đã đề nghị các địa phương sớm có kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường và chuẩn hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Hoặc đối với mặt hàng lương thực, Tổ đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên theo dõi sát thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, đồng thời tìm kiếm, phát triển các thị trường mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cũng như tuân thủ các quy định trong hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu gạo, chống gian lận xuất xứ và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, trước thực trạng giá cả mặt hàng thịt lợn tăng giảm theo biên độ lớn trong những năm vừa qua, thị trường tồn tại nhiều bất cập, Tổ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cơ cấu lại ngành, sản phẩm chăn nuôi, áp dụng các giải pháp về công nghệ trong kỹ thuật cũng như trong quản lý; Chăn nuôi theo hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường; (iii) Tăng cường công tác chế biến, xây dựng các vùng kiểm dịch an toàn theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, quy trình giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm và công tác phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu…
Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổ đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hoặc thông qua các đầu mối) và sớm có quy định, hướng dẫn xử lý chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 RON92 phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Tổ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành phố, Hiệp hội, doanh nghiệp… bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường; Tổng Cục quản lý thị trường chỉ đạo Cục quản lý thị trường các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, hạn chế hoạt động đầu cơ, tích trữ xăng dầu…
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của dịch Covid-19, Tổ đã có nhiều kiến nghị có liên quan như: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế bổ sung “nhóm dịch vụ thương mại bán lẻ” vào “Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu” (là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam). Đề nghị các Bộ Y Tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan có các giải pháp khả thi, kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản sản xuất trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Nhiều kiến nghị của Tổ điều hành thị trường trong nước góp phần đảm bảo tiêu thụ nông sản trong đại dịch
Trong các tháng cuối cùng của năm Tân Sửu, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường , góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành địa phương tiếp tục thực hiện nghiên túc các giải pháp để tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nhâm Dần. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thực hiện nghiêm quy định tạm thời thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.Theo đánh giá của các chuyên gia và các bộ ngành, nhìn chung, các đề xuất và việc làm cụ thể của Tổ điều hành thị trường trong nước trong năm 2021 đã góp phần cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và điều hành linh hoạt tại những thời điểm thị trường biến động (như mặt hàng xăng dầu, phân bón...) hoặc bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, Chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021… do Bộ Công Thương, các địa phương, các đơn vị có liên quan chủ trì/phát động được tổ chức trên cả nước với phương thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.