Cửa hàng hải sản xoay hướng để tồn tại
Nửa tháng nay, cửa hàng hải sản của anh Thành trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP HCM) "cửa đóng, then cài". Hàng ngày, chỉ còn mỗi anh kiểm tra đơn online cho khách quen.
Anh Thành cho biết, trước dịch, mỗi ngày lượng khách ghé cửa hàng lên tới cả trăm người, nay ai cũng thắt chặt chi tiêu nên rất ế ẩm, buộc anh phải đóng cửa để giảm chi phí và chỉ bán online.
"Định không lấy hàng nữa nhưng vì mặt bằng thuê cả năm nên để giảm bớt thiệt hại, tôi vẫn phải bán online. "Lượng khách đặt hàng trực tuyến chỉ bằng 1/10 so với trước, đa phần là khách quen. Do đó, mỗi tháng tôi vẫn phải bù lỗ tiền mặt bằng", anh Thành nói.
Cửa hàng hải sản trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1). Ảnh: Linh Đan.
Một vài chuỗi khác cũng ráng "gồng mình" để cầm cự bằng cách giảm nhân sự và đẩy mạnh chế biến các món ăn phù hợp nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách.
Sở hữu chuỗi cửa hàng hải sản quy mô 10 chi nhánh tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, ông Trần Văn Trường, CEO chuỗi Hải sản Hoàng Gia cho rằng, đợt dịch này khiến doanh nghiệp điêu đứng thật sự.
Theo ông, nhà hàng, quán ăn đóng cửa nghỉ dịch nên lượng hàng bán sỉ giảm 90%. Mặc dù doanh nghiệp đẩy mạnh bán lẻ, chỉ số tăng trưởng 50% nhưng cũng chỉ bù lại được một phần của bán sỉ. "Đây là đợt dịch đẩy doanh nghiệp vào khó khăn nhất từ trước tới nay", ông Trường chia sẻ và cho rằng, bản thân các nhà hàng cũng cạn nguồn tiền sau khi chống chọi với ba đợt dịch trước, nhiều đơn vị giờ thoi thóp cầm cự nên sức tiêu thụ lao dốc.
Với kỳ vọng kiếm đủ tiền chia sẻ với nhân viên trong đại dịch, ông Trường chọn cách đẩy mạnh chế biến thức ăn. Ngoài việc chế biến hải sản mang về, nay cửa hàng ông còn bán thêm cả cá kho.
Ông cho biết, việc chuyển hướng này để thích ứng với mùa dịch. Khách hàng có thể mua về ăn ngay thay vì phải đặt hàng tươi sống về chế biến. "Mới ra mắt hai tuần nhưng mỗi ngày cũng bán được khoảng 100 thố cá kho. Mỗi thố cá loại 500 gram có giá 299.000 đồng, một kg là 499.000 đồng. Tuần đầu ra mắt, cửa hàng giảm giá một nửa để thu hút khách", ông Trường nói và lý giải việc chọn món cá kho là vì món này người dân có thể sử dụng hằng ngày.
Không quá bi đát như các trường hợp trên, nhưng chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản, sức mua cũng giảm 15% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Kỳ Philip, chủ chuỗi cửa hàng này cho biết, giá trị đơn hàng tháng 4,5 giảm 25% so với năm ngoái. Trước đây, bình quân một đơn hàng 750.000 đồng, nay chỉ còn 550.000 đồng.
Hải sản Hoàng Gia đóng gói cá kho để giao cho khách. Ảnh: Linh Đan.
Để thích ứng với dịch, chuỗi Đảo Hải Sản cũng đẩy mạnh chế biến các món ăn nhằm tăng doanh thu. Bên cạnh các món hải sản, họ đã làm thêm thực phẩm đóng gói, hộp với đa dạng chủng loại và đẩy mạnh bán online.
"Hiện chúng tôi lấy kênh online làm kênh phát triển chính. Tỷ trọng doanh thu từ kênh online chiếm 65% tổng kênh bán hàng", ông Kỳ nói và cho biết, sắp tới để duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, công ty sẽ đầu tư công nghệ nhằm triển khai đa kênh bán hàng, kết hợp chặt chẽ cả kênh offline và online.