Cung cầu bảo đảm, thị trường hàng hóa trong nước duy trì ổn định

Theo Bộ Công Thương, cung cầu hàng hóa được bảo đảm đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tốt trong Quý I/2019, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm.  

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2019 - tháng sau Tết Nguyên đán ước tính đạt 392,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính chung quý I/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tốt trong quý I, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 12%.

Nhìn chung, tình hình thị trường trong nước tiếp tục được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Trong 3 tháng đầu năm, thị trường chủ yếu tập trung cho các hoạt động chuẩn bị và phục vụ Tết Nguyên đán.

Bà Lê Thị Hồng – Trưởng Phòng Điều tiết cung cầu – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, năm nay, hầu hết các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm sử dụng vốn ngân sách, tăng cường kết nối giữa các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp phân phối tại địa phương. Về cơ bản, lượng hàng dự trữ đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương tăng khoảng 15-20% so với các tháng trong năm. Đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn nhất trong cả nước đều có sự tham gia của các nhà phân phối lớn vào chương trình bình ổn thị trường. Các mặt hàng dự trữ bình ổn tập trung vào những hàng hoá thuộc nhu cầu thiết yếu như: lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, bánh kẹo, rau củ quả, muối, đường, bột ngọt...

Cùng với việc triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhiều địa phương còn triển khai mạnh mẽ các hoạt động hội chợ xuân, chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vủng xa, biên giới hải đảo, các khu công nghiệp để phục vụ bà con đón Tết thông qua việc tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, các chuyến bán hàng lưu động. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu nên giá phần lớn các mặt hàng thiết yếu đã không có biến động tăng giá đột biến trong dịp Tết. Sau Tết, sức mua giảm so với trước Tết nên giá các mặt hàng thực phẩm đã nhanh chóng trở lại mức ngày thường.

Trong tháng 3, giá mặt hàng thịt lợn giảm do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố gây tâm lý lo ngại cho người dân nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm mạnh; giá xăng dầu được điều hành theo hướng giữ ổn định để giảm áp lực tăng giá lên các hàng hóa khác do yếu tố tâm lý trước việc điều chỉnh tăng giá điện với mức tăng tương đối lớn (8,36%) trong tháng 3; giá các mặt hàng khác tương đối ổn định.

Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng tới, thị trường hàng hóa trong nước được dự báo chưa có yếu tố tác động bất lợi nên dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2019 vẫn đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra ở mức tăng khoảng 12% so với năm 2018.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu sẽ chủ yếu chịu tác động của các yếu tố tăng giá các mặt hàng đầu vào cho sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu.... Bên cạnh đó, thị trường mặt hàng thịt lợn (mặt hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn) hiện đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nhu cầu giảm, giá giảm, tuy nhiên, khi hết dịch, nhu cầu tăng trở lại, nguồn cung bị giảm sau thời gian cách ly để chống dịch nên giá có thể tăng.

Bình luận của bạn