Da giày hưởng lợi lớn
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) ngành da giày chắc chân trên thị trường nội địa, khi thương hiệu sản phẩm được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng.
Lợi ích thiết thực
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân-Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) - CVĐ được triển khai sâu rộng trong ngành, có những DN đã gắn bó với CVĐ nhiều năm, như: Công ty TNHH Thời trang Tuấn Việt, Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai với thương hiệu giày Bitis, Công ty CP Cao su Hà Nội, Công ty TNHH MTV giày Thượng Đình, Công ty CP giày Vĩnh Phú... Nhiều DN đã tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, thậm chí đầu tư mở cửa hàng, siêu thị với quy mô lớn giới thiệu và bán giày dép sản xuất trong nước.
Ngược lại, CVĐ cũng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực khi giúp DN có thêm phương thức tiếp cận, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, qua đó có định hướng sản phẩm phù hợp.
Công ty TNHH Thời trang Tuấn Việt là một ví dụ, từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng gia công cho nhà nhập khẩu giày dép nước ngoài, tham gia vào thị trường trong nước, DN dành riêng một phân xưởng cho việc thử nghiệm thương hiệu giày Tuvi’s. Sau 3 năm thương hiệu này của Tuấn Việt đã có chỗ đứng trên thị trường. Tương tự, Công ty Cổ phần Giày Việt cũng đã được người tiêu dùng trong nước biết đến với 4 thương hiệu: Vũ Chầm, Vina Giày, Giày Việt, Vinagico.
Cũng theo bà Xuân, thị trường trong nước với 90 triệu dân, tiêu thụ khoảng 130 -180 triệu đôi giày/năm, doanh số của thị trường nội địa rất lớn chiếm đến 4 - 5 tỷ USD. Trong khi đó, DN trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Thêm sự liên kết
CVĐ đã được hưởng ứng sâu rộng trong ngành da giày, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các DN còn gặp không ít trở ngại. Đơn cử, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ đạo của CVĐ, thu hút sự tham gia đông đảo của các DN. Tuy nhiên, chương trình chỉ được thực hiện tập trung trong một thời gian ngắn, không đủ thời gian cho DN giới thiệu sản phẩm và để lại nhiều dấu ấn cho người tiêu dùng.
Chi phí cũng là vấn đề khiến các DN “phân vân”, bởi khi tham gia chương trình DN mất rất nhiều phí vận chuyển, lưu kho bãi… Tình trạng đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đơn lẻ như hiện nay đã không đem lại hiệu quả cho DN. Và để có chi phí phù hợp DN buộc phải đưa hàng hóa chất lượng không cao, gây ấn tượng không tốt cho hàng Việt về nông thôn. “Ở đây hoàn toàn là vấn đề chi phí, bản thân DN cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận và bán được nhiều sản phẩm nhưng chi phí như thế nào để hợp lý, điều này DN đơn lẻ không thể làm được” - bà Xuân nói.
Cũng theo bà Xuân, DN không ngại việc đưa hàng chất lượng tốt về nông thôn, tuy nhiên, để DN đủ lực làm được điều này phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Hỗ trợ không phải bằng tiền trực tiếp mà có thể hỗ trợ về giới thiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng kho bãi... Quan trọng nhất là giúp các DN kết nối với nhau cùng vận chuyển hàng hóa, chia sẻ gánh nặng.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng cần có tính dài hơi, chiến lược hơn. Ví dụ, chương trình sẽ tổ chức các chuyến hàng theo nhóm sản phẩm, tổ chức liên tục để tạo ra sự nhận biết và vị thế trong người tiêu dùng. Bản thân sự cam kết của DN tham gia chương trình cũng dài hơi hơn ít nhất từ 3-5 năm, mới có thể đánh giá được hiệu quả của chương trình.