Đẩy mạnh ngành chế biến nông sản giúp tăng thu nhập cho nông dân
Vấn đề tìm đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán khó không chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương và người nông dân phải tập trung giải quyết triệt để, có chiến lược mang tính lâu dài.
Làm được vậy, tình trạng tổ chức xúc tiến tiêu thụ theo từng mùa vụ, từng loại nông sản vào mỗi năm như hiện nay mới được khắc phục.
Gặp khó ngay trên sân nhà
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến nông sản của Việt Nam chưa tìm được lối ra là do ngành công nghiệp chế biến nông sản kém phát triển.
Tiến sỹ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ hiểu về thị trường mà chưa rõ về sản xuất, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực chế biến nông sản khá ít và năng lực rất hạn chế.
Tại Việt Nam, khi các loại trái cây như cam, mít, thanh long, xoài... có giá bán quá rẻ hoặc không bán được, người nông dân phải đổ bỏ và vỡ nợ. Khi đó, ít doanh nghiệp nhập cuộc cùng đơn vị liên quan để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Trong khi đó, tại các nước như Thái Lan, Lào, khi trái cây của nông dân chưa bán được, doanh nghiệp sẽ thu mua và chế biến thành nước ép bán ra thị trường nội địa để hỗ trợ nông dân.
Vì vậy, nếu đẩy mạnh phát triển ngành chế biến nông sản, thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tham gia chế biến cao hơn so với tình trạng “bán tươi” như hiện nay.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp vừa sản xuất vừa tham gia chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, doanh nghiệp trong nước hiện nay chỉ mua được phần nông sản mà các thương lái nước ngoài không mua hoặc sẽ là người giải quyết “hậu quả.”
Hiện nay các thương nhân Trung Quốc, Thái Lan… có thể gặp trực tiếp nông dân đặt vấn đề lựa chọn nông sản cần trồng, đảm bảo tiêu thụ với giá thành phẩm khá cao. Tuy nhiên, khi bà con sản xuất đại trà những thương lái này sẽ ép giá sản phẩm, khiến người nông dân thiệt hại đáng kể.
Bên cạnh đó, thương lái nắm thông tin về vốn đầu tư, giá cả, sản lượng, tồn kho… thông qua đội ngũ “cò” đồng ruộng ở khắp nơi. Vì vậy, người nông dân muốn bán giá cao cũng không được.
Tình huống này trên thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều nơi và với nhiều loại nông sản như khoai lang, khoai môn, hành tím… Dù đã có nhiều bài học nhãn tiền, song vì lợi nhuận trước mắt cũng như thiếu thông tin, người nông dân vẫn thường xuyên rơi vào “bẫy” này.
Các ngành chức năng lại thường xuyên phải chạy sau giải quyết tình trạng hàng tồn đọng. Không những thế, các thương lái nước ngoài mua nông sản tại Việt Nam dùng mọi thủ đoạn để né tránh các quy định, rào cản kỹ thuật thương mại; trong khi các doanh nghiệp trong nước thu mua để bán ra hoặc chế biến sản phẩm thì phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Cần chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn
Hơn 2 năm nay, bí quyết xử lý chôm chôm rải vụ giúp cho trên 30ha chôm chôm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của các thành viên nhóm dịch vụ nông nghiệp ấp Tiên Phú 1, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre đã giúp tránh được tình trạng “được mùa rớt giá” và tránh được chôm chôm các nước khác khi xuất sang thị trường châu Âu, một thị trường được đánh giá " khó tính" nhất hiện nay.
Theo anh Phùng Văn Hiền, Trưởng nhóm dịch vụ nông nghiệp ấp Tiên Phú 1, để đảm bảo nguồn hàng an toàn và giữ uy tín với đối tác, điều quan trọng là phải đảm bảo các khâu sản xuất chôm chôm đúng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, tránh tồn dư lượng thuốc trên sản phẩm và xử lý trái rải vụ hợp lý để có nguồn hàng thường xuyên cung ứng cho thị trường.
Không chỉ riêng nhóm dịch vụ nông nghiệp ở ấp Tiên Phú 1 mà hiện nay, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân đã chú trọng đến vấn đề sản xuất theo hướng này nhằm cải thiện đầu ra, hướng tới xuất khẩu. Điển hình như hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp); cây sầu riêng ở Xuân Tân, Xuân Lập (Đồng Nai)... đã thực hiện thành công mô hình này.
Dù hiệu quả thấy rõ, song mô hình này khi triển khai còn khá nhiều vướng mắc, chưa thu hút nhiều người sản xuất tham gia.
Với nhiều năm đồng hành cùng nông dân thực hiện mô hình VietGAP, tiến sỹ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, khó khăn nhất khi hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng VietGAP là quy định ghi chép nhật ký để truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây là một vấn đề khó có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, bởi từ trước tới nay, người nông dân không có thói quen này.
Một điểm đáng lưu ý khác, mặc dù mô hình sản xuất VietGAP được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa đưa ra được nhãn sản phẩm chung để chứng nhận đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong khi các hộ sản xuất, tổ hợp tác nhỏ lẻ không đủ khả năng làm bao bì sản phẩm, nên không có sự khác biệt rõ ràng giữa sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và các sản phẩm thông thường trên thị trường. Từ đó, mô hình này chưa thu hút được sự tham gia của người sản xuất, vùng trồng trọt sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa phát triển như kỳ vọng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc sản xuất nông sản theo hướng VietGAP hay GlobalGAP là hướng đi bắt buộc để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam cũng như góp phần giải bài toán đầu ra nông sản. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành nhãn chứng nhận đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thúc đẩy liên kết ngành
Theo tiến sỹ Võ Mai, trong ngành nông nghiệp có 2 thành phần quan trọng để thúc đẩy ngành phát triển là nhà nông và doanh nghiệp, các thành phần khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đại diện cho hai thành phần này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương. Trong đó, Bộ Công Thương phải có điều tra, khảo sát nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu rồi “đặt hàng” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Cụ thể, Bộ Công Thương sau khi khảo sát, nhận thấy cần hàng trăm nghìn hécta trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Bộ này họp bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhu cầu cụ thể từng loại rau...
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương có điều kiện khí hậu, sinh thái, tập quán canh tác phù hợp để thực hiện tổ chức sản xuất theo nhu cầu và có quy hoạch phát triển tổng thể.
Mặt khác, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải “đặt hàng” với Bộ Khoa học và Công nghệ chế tạo các thiết bị, kỹ thuật cần thiết hỗ trợ, phục vụ sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Những điều này không chỉ giúp nông sản có đầu ra mà còn giúp ngành khoa học trong nước tránh tình trạng lãng phí chất xám và đề tài khoa học như hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Đông Hải, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phía Nam cho rằng, để phát triển sản xuất nông sản bền, sự liên kết của nhiều đơn vị là rất cần thiết; trong đó quan trọng nhất vẫn là nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm của nông dân để chế biến và tiêu thụ; nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn đặt hàng của doanh nghiệp.
Như vậy, sản phẩm không sợ dư thừa như hiện nay. Tuy nhiên, người nông dân ở đây phải là những người sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác xã, trang trại tạo ra cánh đồng lớn chứ không phải theo kiểu sản xuất nhỏ lẻ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nêu ý kiến, nền tảng của ngành nông nghiệp là phải xây dựng nền kinh tế tập thể thông qua dồn điền đổi thửa, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác…
Thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp có thể đến đàm phán, giao dịch với người đại diện hợp tác xã chứ không cần đến từng hộ nông dân để thực hiện giao dịch. Thậm chí, các hợp tác xã này phải thành lập liên minh hợp tác xã.
Doanh nghiệp phải liên kết thành các tập đoàn mới đủ sức mạnh để vươn ra, đứng vững trên thị trường thế giới.
Theo Vietnam+