Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây đặc sản

Dù diện tích trồng cây ăn quả không lớn, song Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều trái cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như: Nhãn chín muộn, cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, chuối tiêu hồng… Nhiều loại quả không chỉ được bán tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Để nâng cao giá trị, đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản hướng tới xuất khẩu bền vững…


 

Tiềm năng lớn

Dưới những tán cây xum xuê, thoang thoảng hương hoa nhãn, ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ trồng nhãn chín muộn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho biết: Nhãn chín muộn đang ra hoa, đây là thời kỳ rất quan trọng, quyết định năng suất của cây. Do vậy, người trồng nhãn cần chủ động các biện pháp kỹ thuật để cây đậu quả. Quá trình hình thành quả non cũng phải chăm sóc rất cẩn thận. Theo ông Bảy, năm 2016, nhãn chín muộn đã được xuất bán sang Malaysia và đang hoàn thiện những thủ tục pháp lý, đợi phản hồi từ thị trường Mỹ. Nhãn chín muộn Hà Nội không chỉ bán cho thương lái mà nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng để xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2017, nhãn chín muộn Hà Nội mất mùa nên mặt hàng này trở nên khan hiếm...

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 500ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại 2 huyện: Hoài Đức và Quốc Oai. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, nhãn chín muộn Quốc Oai trồng chủ yếu tại xã Đại Thành. Để phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành và đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay toàn bộ diện tích trồng lúa của xã đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là nhãn chín muộn. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, diện tích trồng nhãn chín muộn toàn xã đạt hơn 200ha.

Không chỉ nhãn chín muộn, vừa qua doanh nghiệp kinh doanh chuối Thái Lan đã đến Hà Nội, tham quan vùng trồng chuối tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì). Trong chuyến thăm, doanh nghiệp này đã thống nhất đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng khép kín tại xã Chu Minh với diện tích ban đầu 10ha. Toàn bộ sản lượng sẽ được doanh nghiệp Thái Lan thu mua. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết: Xã Chu Minh hiện có hơn 20ha, đủ điều kiện trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu. Diện tích này đã được doanh nghiệp Thái Lan khảo sát, kiểm tra và phân tích mẫu đất, nước. Với khoảng 573,8ha trồng chuối trên địa bàn, việc liên kết với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và xuất khẩu chuối sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng chuối nói riêng và cây ăn quả nói chung ở Ba Vì.

Ngoài nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, Hà Nội còn nhiều loại quả được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 16.700ha trồng cây ăn quả, tăng 1.200ha so với năm 2016. Trong đó, tập trung phát triển một số cây ăn quả giá trị kinh tế cao, sử dụng giống nuôi cấy mô và đã xây dựng 12 nhãn hiệu tập thể cho: Bưởi, cam, chuối, nhãn...

Phát triển vùng gắn với ứng dụng khoa học

Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của cây ăn quả Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh từng khẳng định: Hà Nội có nhiều cây ăn quả đặc sản mà ít tỉnh, thành phố khác có được. Đặc biệt, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì việc phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, ngành Nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó cần hình thành các vùng sản xuất trái cây tập trung, liên kết hướng tới xuất khẩu quả tươi và chế biến.

Thực tế, những năm qua ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định, cây ăn quả còn là nhóm cây trồng phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái. Do vậy, cây ăn quả được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt trong giai đoạn phát triển đến năm 2020 và 2030. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Tính đến nay, Hà Nội có 924,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố). Trong đó, 634ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372ha chuối ứng dụng 2 tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (giống nuôi cấy mô và bao buồng)... 

Để hướng tới xuất khẩu, ngành Nông nghiệp coi công nghệ cao là đột phá để sản phẩm trái cây có đủ sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội đã quy hoạch vùng và chủng loại trái cây. Dự kiến, đến năm 2020, quy mô sản xuất cây ăn quả tăng 26,2% về diện tích và 45% về sản lượng. Diện tích trồng cây ăn quả tăng thêm được chuyển đổi từ diện tích đất trồng sắn (khoảng 900-1.000ha), đất trồng lạc (khoảng 1,5-1,8 nghìn héc ta) tại các huyện vùng đồi gò; một phần diện tích trồng màu. Trong cơ cấu phát triển, diện tích trồng các loại cây có múi dự kiến khoảng 26-28%. Đây được xác định là những nhóm sản phẩm quả chủ lực của Hà Nội trong giai đoạn 2020-2030. 

Trong giai đoạn tới, bên cạnh bưởi Diễn, cam Canh, Hà Nội sẽ phát triển thêm các giống cam, quýt mới để đa dạng hóa sản phẩm quả có múi. Đối với cây chuối (diện tích khoảng 2.000ha) sẽ sử dụng giống nuôi cấy mô để tăng năng suất, chất lượng, độ đồng đều của quả... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 

Bình luận của bạn