Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế

Để nâng cao chất lượng đàn gà cũng như nâng tầm thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, sáng nay (21/10), tại huyện Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017.

Tăng trưởng ổn định

Tận dụng các ưu thế vườn đồi, thời gian qua huyện Yên Thế đã đẩy mạnh phát triển đàn gà. Báo cáo tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017, ông Vũ Trí Hải – Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - cho biết, kết thúc năm 2016, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 4,5 triệu con, trong đó đàn gà lên tới 4 triệu con. Hiện, số gia cầm thương phẩm của huyện Yên Thế bán ra thị trường từ 12-14 triệu con mỗi năm, giá trị sản xuất đạt trên 1.500 tỷ đồng. Số lượng hộ chăn nuôi quy mô lớn ngày càng gia tăng, cá biệt có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân ở Yên Thế và cho thu nhập ổn định từ 50 -100 triệu đồng/năm. Những năm thuận lợi một số hộ đã có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Khác với giống gà khác, gà đồi Yên Thế có 2 giống chủ lực: Ri Lai và Mía Lai, là giống có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, quy mô lớn đã được đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2011 lần đầu tiên Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm Gà đồi Yên Thế - đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và làm giàu cho các hộ nông dân, đồng thời thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ liên quan phát triển trên địa bàn.

Hiện, sản phẩm Gà đồi Yên Thế đã được tiêu thụ rộng trên các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên... và một số địa phương trong cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản xuất chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà an toàn, thời gian qua UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, đề án, như: Quyết định số 655/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Sản xuất và cung ứng gà cho thành phố Hà Nội và các thị trường khác đến năm 2015; Quyết định số 1115/QĐ-UBND và 1116/QĐ-UBND phê duyệt 2 mô hình thí điểm chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi Yên Thế; Đề án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020...

Cùng với các chính sách, hàng năm tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế đều dành nguồn kinh phí nhất định (trên 1 tỷ đồng) hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi gà đồi, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất: thường xuyên kiện toàn hệ thống cán bộ thú y từ huyện đến các thôn bản khi có sự thay đổi; tổ chức lồng ghép nhiều nguồn vốn triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ nghèo và hộ cận nghèo; hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng… Qua đó giúp cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế chăn nuôi trong nông nghiệp nông thôn, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch của thị trường.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Những năm qua sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã nhận được các giải thưởng cao, như: “Sản phẩm tin cậy - dịch vụ hoàn hảo - nhãn hiệu ưa dùng năm 2012”; “Sản phẩm tin cậy” cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”... UBND tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi nâng cao chất lượng gà đồi thương phẩm. Duy trì quy mô tổng đàn gia cầm ổn định ở mức 4,5 triệu con trở lên, trong đó, đàn gà ổn định từ 4 - 4,3 triệu con; mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11 - 13 triệu con gà thương phẩm, giá trị sản xuất từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng…

Để giúp sản phẩm địa phương đi xa và bền vững hơn, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai thực hiện việc chuẩn hóa, thống nhất mẫu mã, hình thức tem nhãn “Gà đồi Yên Thế” để sử dụng cho các lô gà thương phẩm xuất bán đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Các điểm bán, quầy lưu động, các xe vận chuyển hàng, lồng nhốt... đều được gắn lôgô thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” trong hoạt động và lưu thông. Đồng thời tăng cường quản lý thương hiệu hàng hóa, gắn trách nhiệm duy trì, bảo vệ thương hiệu đến từng hộ chăn nuôi; chứng nhận, cấp quyền sử dụng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” cho các cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất; tập trung chỉ đạo tái cơ cấu phương thức chăn nuôi gà thương phẩm; tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm; tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường mối liên kết với các hộ dân trong việc chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó tạo chuỗi sản phẩm khép kín; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…

Bàn giải pháp đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho rằng, thời gian qua Bắc Giang đã nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ gà đồi Yên Thế, tuy nhiên cũng có thời điểm thị trường cũng như giá cả sản phẩm gà đồi chưa thực sự ổn định. Vì vậy, ngoài việc phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm nguyên nhân thì cần làm tốt công tác thị trường, hướng tới thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản và EU. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ…

Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng, không nhất thiết phải tăng về số lượng nhanh mà đẩy mạnh tăng về chuỗi giá trị. Đồng thời rà soát lại tái cơ cấu theo xu hướng hội nhập. Đặc biệt, yêu cầu tất cả các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung cùng Bắc Giang xúc tiến gà đồi, đưa gà Yên Thế lên tầm cỡ quốc gia hướng tới xuất khẩu.

Là đơn vị luôn ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang trong công tác phát triển, mở rộng thị trường nông sản nói chung, thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” nói riêng, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương – ông Dương Thái Trung –  cho hay, sản xuất nông nghiệp của nước ta cơ bản vẫn phân tán, nhỏ lẻ, lạc hậu, kéo theo hoạt động kinh doanh nông sản cũng nhỏ lẻ, phân tán; nông sản qua nhiều tầng nấc trung gian mới đến người tiêu dùng… Vì vậy, để phát triển chuỗi cung ứng gà đồi Yên Thế thời gian tới bền vững, góp phần tăng giá trị chăn nuôi gà, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan sản xuất gà đồi theo quy hoạch, theo thị trường, có doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản làm hạt nhân; phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu dùng, gắn chặt mối liên kết 5 nhà: nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà nước.

Bình luận của bạn