Doanh nghiệp dệt may tất bật tìm nguyên liệu trong nước
Để được hưởng lợi thuế suất từ 18% xuống 0%, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.
Mỗi năm, công ty may TNG thu về khoảng 25 triệu USD từ việc may gia công cho Decathlon, một nhãn hàng thể thao nổi tiếng của Pháp. Nhưng gần như 100% số vải để may sản phẩm cho Decanthlon đều được nhập khẩu. Nếu kéo dài tình trạng này, cơ hội để hưởng thuế suất 0% cũng bằng không.
Với tiêu chí quan trọng nhất là vải phải được sản xuất trong nước, doanh nghiệp này cũng không đáp ứng được.
Sớm nhận ra bất cập này, gần đây, đại diện của TNG đã sang Pháp và chủ động đề xuất với Decathlon hợp tác xây dựng một nhà máy dệt vải ngay tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may TNG - cho biết: ‘Xây dựng dự án ngay tại Việt Nam, dự kiến năm 2016 - 2017 sẽ hình thành, chúng tôi lo nguyên liệu cho Decathlon để hưởng thuế suất 0%’.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Tổng công ty may Hưng Yên thuộc Tập đoàn Vinatex, cũng nhập khẩu tới 70% vải nguyên liệu giống hàng nghìn doanh nghiệp may trong nước. Vào thời điểm FTA giữa Việt Nam và EU chuẩn bị được ký kết cũng là lúc họ lo lắng và tìm mọi cách để tính đến việc chủ động nguyên liệu trong nước.
500 tỷ đồng đã được công ty dành để đầu tư đẩy mạnh dệt vải. Lãnh đạo của công ty cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác.
Đầu tư một nhà máy dệt sẽ cần lượng vốn gấp 4 lần đầu tư vào nhà máy may, chính vì thế lãnh đạo Tập đoàn Dệt may khẳng định, hướng đi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam là liên kết theo chuỗi cung ứng.