Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm thị trường máy móc thiết bị Việt Nam

Tham gia Triển lãm máy móc công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại - MTA Việt Nam 2017 tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 4- 7/7 nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản giới thiệu những kỹ thuật tiên tiến và sản phẩm ưu việt trong lĩnh vực chế tạo máy móc công cụ, cơ khí tới thị trường Việt Nam, cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác. 

Với thế mạnh là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, sự hiện diện của Nhật Bản tại MTA Việt Nam 2017 mang đến nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận với nền công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tham gia triển lãm có các DN tên tuổi điển hình của Nhật như Amada, Big Daishowa, Makino, Mazak, Metrol, MST, Nikon, NT Tool, Sodick.

60% sản phẩm của các DN Nhật mang đến MTA Việt Nam 2017 đều chưa từng được xuất khẩu tới Việt Nam. Các sản phẩm tham dự hội chợ phong phú, từ các loại máy công nghiệp như máy cắt, máy tạo hình kim loại đến các loại công cụ, thiết bị bảo trì, linh kiện phụ tùng, dụng cụ kiểm tra... Ngoài ra, triển lãm còn có những sản phẩm lần đầu có mặt như máy in 3D để phát triển sản phẩm bằng dữ liệu CAD, hay thiết bị giám sát trọng lượng...

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết tham gia MTA Việt Nam 2017 là một phần trong hoạt động thúc đẩy đầu tư, giao thương giữa DN hai nước. Thông qua tính chất ứng dụng trong kỹ thuật các DN mang đến triển lãm, sự kiện lần này đang góp phần giải quyết vấn đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa cho các DN Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam. Bản thân các DN Việt Nam trong lĩnh vực này cũng tín nhiệm và ưa chuộng sử dụng sản phẩm tới từ Nhật Bản. Bởi vậy, triển lãm này là cầu nối chính thống giữa nhà cung cấp Nhật Bản và khách hàng Việt Nam.

Ông Takimoto Koji cũng cho biết thêm, thời gian qua việc thực hiện quy định về máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm không được nhập khẩu theo Thông tư 23/2015/TT- BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 đang gây khó khăn cho nhiều DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam nhất là những DN sản xuất. Bởi các DN Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, họ thường mang theo máy móc thiết bị của cơ sở sản xuất đó.

Và điều dĩ nhiên những máy móc thiết bị này vẫn còn hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nữa. Do đó, các DN Nhật Bản kiến nghị nên chỉnh sửa lại quy định là nếu là máy móc, thiết bị do các công ty sản xuất nhập khẩu vì hoạt động sản xuất của công ty mình thì không giới hạn tuổi thiết bị. Kiến nghị này cũng được Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như một số Bộ, ngành khác trước đó. Tổ chức này đề nghị tiếp tục sửa đổi Thông tư 23 quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nói trên.

Được biết, Thông tư 23/2015/TT- BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, thay thế Thông tư 20/2014/TT- BKHCN. Tuy nhiên, thời gian qua cộng đồng DN trong và ngoài nước đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh cho rằng quy định này chưa hợp lý. Một số DN cho rằng có những máy móc thiết bị có tuổi đời trên 20 năm, được sản xuất từ nước tiên tiến như Nhật, châu Âu vẫn vận hành hiệu quả, ổn định về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất.

Bình luận của bạn